Phương pháp khắc phục say xe

Bài viết của tác giả Dave Trần về nguyên nhân và phương pháp chống say xe, bên cạnh mẹo như dùng gừng theo dân gian.


Trước đây tôi cũng hay say nên rất hiểu và thông cảm với những ai phải đi lại nhiều. Tuy nhiên, tôi đã hoàn toàn hết say sau khi áp dụng thành công 3 cách là sử dụng thuốc chống say máy bay, tự cầm lái (thực tế là chẳng tài xế nào say), tập luyện và tuân theo các quy tắc khi ngồi trên ôtô.


1. Sử dụng thuốc chống say máy bay: Áp dụng cách này nếu bạn muốn đơn giản và hiệu quả, mỗi một lượt đi xe dùng 2 viên. Bạn ra hiệu thuốc mua 2 viên thuốc chống say máy bay (viên trắng nhỏ, loại của Pháp). Ăn no, không nhịn đói, uống đủ nước và 2 viên thuốc 30 phút trước khi bước lên xe.


Đặc biệt chú ý là bạn phải uống thuốc ít nhất 30 phút trước khi lên xe, không được uống kèm với bất kỳ thuốc chống say nào khác. Nếu không thuốc không có tác dụng. Hiệu quả rất cao, gần như không gây buồn ngủ hay say thuốc. Nhiều người say lên say xuống nhưng khi uống thấy cực kỳ hiệu nghiệm, đi hàng trăm km không cảm thấy gì.


2. Tự cầm lái: Nếu bạn có điều kiện, hãy đi học lái xe và tự cầm lái. Vợ của một người bạn tôi cũng rất say xe. Chồng cô ấy chữa bằng cách bắt tự lái. Một thời gian sau chẳng thấy say nữa.


3. Luyện tập và tuân thủ các quy tắc: Ngồi cùng hướng với xe (mặt cùng hướng xe di chuyển, tuyệt đối không ngồi quay ngược lại), không nằm. Mắt nhìn đường qua kính chắn gió, quan sát tình huống giao thông trên đường, tưởng tượng như mình đang lái xe vậy. Bạn hạn chế nhìn qua cửa kính, không nhìn các vật quá gần di chuyển lướt qua liên tục sẽ chóng mặt.


Không ngồi ở cuối xe. Nên ngồi ghế nằm trên trục/cầu sau xe bởi vị trí này ít bị lạng nhất khi xe rẽ. Dùng bông gòn nhét vào hai tai, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều khi không nghe tiếng động cơ gầm rú.


Đừng xuống kính và nên đi xe có điều hòa. Vì xuống kính sẽ có khói xăng vào xe. Nếu điều hòa hôi, có thể dùng quả quít, quả dứa để khử mùi. Bạn không được đọc bất cứ thứ gì trên tay (sách báo/điện thoại di động/laptop…), hạn chế tối đa việc nhắn tin vì các hành động này làm cho tiền đình phải hoạt động mạnh hơn bình thường, gọi điện thoại thì có thể được.


Khi xe phanh, hít thở từ từ, hít thật sâu dần dần cho đến khi thật căng hai lá phổi, giữ lấy hơi, không được thở ra vội vàng, giữ hơi đến khi xe giảm tốc hoàn toàn và bắt đầu chuyển động đều thì thở nhẹ ra nhưng thật từ từ, tiếp theo là hít thở sâu khoảng 2, 3 lần nữa.


Động tác này rất quan trọng, rất nhiều người say đã bị nôn khi xe phanh gấp hoặc đang đi dừng hẳn lại để bắt khách. Việc hít thở sâu và thở ra thật từ từ giúp cho cơ thể có nhiều ôxy, giữ hơi, đồng thời đây là một “tiểu xảo” để làm giảm sự nhạy cảm của tiền đình.


So với cách đầu tiên dùng thuốc thì cách này hơi phức tạp, đòi hỏi bạn phải tuân thủ đúng mới có hiệu quả. Tuy nhiên nếu áp dụng thành công bạn sẽ thấy rất vui, vì từ nay có thể đi du lịch, công tác xa thoải mái bằng ôtô mà không phải lo say nữa. Tôi đã chia sẻ phương pháp này với nhiều người, và phần lớn họ thấy hiệu quả.


Tôi và em trai đều là những người to khỏe nhưng trước đây đi tàu xe rất khổ, chỉ 15-20 km đã bị. Mỗi lần say thì như một trận ốm nặng, chẳng còn thiết tha đi tham quan du lịch gì nữa. Vốn là người cứng đầu, tôi không cam chịu việc say xe “lãng xẹt” như vậy.


Tôi đã suy nghĩ và tìm hiểu rất nhiều. Điều gì làm người ta bị say. Tại sao có người bị có người không? Sao đi xe máy không say, ngồi ôtô lại say dù vẫn là chuyện ngồi trên một vật khác di chuyển đưa cơ thể ta di chuyển theo. Câu trả lời nằm ở tiền đình của con người. Sở dĩ con người có thể đứng, đi bộ, leo cầu thang, đi thăng bằng (diễn viên nhào lộn), di chuyển linh hoạt trên đôi chân của mình mà không bị ngã là nhờ có tiền đình.


Tiền đình giúp cơ thể cảm nhận không gian, kiểm soát trạng thái thăng bằng. Bạn nhắm mắt cũng biết đang đứng thẳng/đứng nghiêng hay dốc ngược đầu, hay như khi bạn đi trong bóng đêm, không cần mắt để giữ thăng bằng. Tiền đình hữu ích như vậy, nhưng với những người say xe – những người có tiền đình quá nhạy cảm – nó lại là vấn đề.


Khi người bị say đi xe ôtô, tiền đình họ hoạt động mạnh hơn lúc bình thường. Nó cố gắng cảm nhận không gian và vị trí tương đối của cơ thể. Tuy nhiên, cùng lúc đó, 2 giác quan khác là mắt và tai cũng hoạt động tích cực. Thông tin thu nhận từ 3 cơ quan này không thống nhất, dẫn đến cơ thể mất kiểm soát thăng bằng và bắt đầu nôn nao.


Ví như xe ôtô phanh gấp, hoặc tăng tốc, tiền đình cảm nhận gia tốc thay đổi, tuy nhiên mắt người nhìn nội thất/một số vật nằm trong xe không chuyển động so với cơ thể, nên hai thông tin từ thị giác và tiền đình là không thống nhất.


Tai nghe tiếng máy rú to gây cảm giác xe chạy nhanh, nhưng có thể thực sự lúc đó xe không chạy nhanh và tiền đình cảm nhận xe chạy không nhanh (do tài xế chạy ép số thấp, khi lên dốc chẳng hạn). Sự không nhất quán giữa tiền đình, mắt và tai gây ra cảm giác say cho cơ thể. Vậy mọi phương pháp tập luyện hay quy tắc đi xe đều phải xoay quanh vấn đề giảm bớt sự nhạy cảm của tiền đình (tạm thời “tắt” nó đi).


Bạn sẽ để ý những điều khuyên không nên làm khi đi ôtô ở trên cũng đều từ nguyên lý này: ngồi ngược, nằm, đọc sách, nhìn vào nhà cửa xe cộ lướt qua liên tục… là những hành động làm cho tiền đình phải hoạt động mạnh hơn.

Chúc các bạn thành công và không còn say xe nữa.


Du lịch, GO! – Theo Yahoo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *