Núi Cấm- Đà lạt của Miền Tây (An Giang)

Được biết đến là “Đà Lạt của miền Tây”, Thiên Cấm Sơn (còn gọi là núi Cấm) nằm trong dãy Thất Sơn, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.




Ấp An Hòa, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên

ĐT: 076.760229 – 760236 – 760226 – 760295
Fax: 076.760229


Núi Cấm hay Thiên Cấm Sơn, là ngọn núi cao nhất, lớn nhất nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Các Trung tâm TP. Long Xuyên khoảng 90km theo Quốc lộ 91 rẽ qua tỉnh lộ 948.

Núi Cấm uy nghi, hùng vĩ mọc lên giữa vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, núi có độ cao 710m từ trên Vồ Bò Hong nhìn xuống chùa Phật Lớn (thuộc ấp An Bình, xã An Hảo), du khách thấy như một lòng chảo lớn bao quanh bởi các ngọn núi chập trùng thuộc Thiên Cấm Sơn như : Võ Đầu, Vồ Bò Hong, Vồ Thiên Tuế… Với độ cao và địa hình như vậy Núi Cấm được ví như một Đà Lạt II của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Vì nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, cũng nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, hiếm có thu hút khách du lịch, hành hương với nhiều huyền thoại, truyền thuyết đầy lý thú và tình người.

Vì sao Núi này được gọi là Núi Cấm?

Có 2 giả thuyết được dân gian truyền lại là: Trước kia Núi Cấm rất hiểm trở, nhiều thú dữ không ai dám tới trừ những nhân vật siêu hình được thêu dệt một cách huyền bí, ngự trị trên những vồ cao. Nên vô tình người dân quanh vùng tự cấm mình không được xâm phạm đến khu vực đó. Lại có truyền thuyết ngày xưa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh phải chạy lên núi trốn nên truyền lệnh không cho bất cứ ai lên núi và từ đó núi có tên là Núi Cấm.

Dưới chân núi về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm có diện tích khoảng 100ha có các dịch vụ giải trí đa dạng,có nhà hàng Kaolin phục vụ các món ăn đặc sản Bảy Núi.


Từ Lâm Viên có lối mòn lên núi ta ghé tắm suối Thanh Long, một con suối thiên nhiên, thơ mộng, rồi tiếp tục cuộc hành trình lên đến ngả ba là du khách đã bước vào khu “Cao nguyên Núi Cấm”, ta quẹo phải khoảng 1 km là đến Vồ Thiên Tuế, tiếp theo trở về  ngược hướng trái theo đường dốc lên chùa Phật Lớn, trên đường đi ta có thể ghé thăm Động Thuỷ Liêm, qua Ô Cát thăm Vồ Bạch Tượng (một tảng đá lớn có hình con voi trắng đứng uy nghi bên sườn núi). Tiếp đến là chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, rồi đến Vồ Bò Lớn, chùa Vạn Linh, rồi đến Vồ Bò Hong đỉnh cao nhất của Núi Cấm và cũng là đỉnh cao nhất vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, tại đây nếu trời xanh ta có thể nhìn thấy tận vùng biển Hà Tiên.

Đến đây, du khách còn có thể tham quan nhiều địa điểm lý thú như suối Thanh Long, suối Tiên, hang Ông Thẻ, động Thủy Liêm, chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm, Ngọa Long Sơn (núi Dài), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô)…



Khu du lịch núi Cấm (huyện Tịnh Biên, An Giang) rộng 8,4 héc ta, có nhiều cảnh quan kỳ thú hấp dẫn du khách. Hàng năm, nơi đây đón tiếp gần một triệu lượt du khách. Đến chơi núi Cấm, du khách có dịp nghỉ đêm trên núi mới cảm nhận được nét đẹp ẩn tàng vùng núi giữa đồng bằng Nam bộ này.

nuicam

Vào đến chân núi, bạn sẽ được các bác tài xe ôm vồn vã chào mời, “vù vù” đưa bạn lên chùa Phật Lớn ở lưng chừng núi, cao khoảng bốn, năm trăm mét. Trước kia, đi xe ôm lên núi khá mạo hiểm nhưng rất hấp dẫn. Chiếc xe như cố bườn qua các tảng đá lớn, những hòn sỏi to, thỉnh thoảng gặp một dòng suối nhỏ loăng quăng chảy ngang mặt đường. Để có thể bườn trên con đường nhiều nguy hiểm dài khoảng 10 cây số lên núi, chiếc xe phải được xoáy nòng, thay sên dĩa mỗi ba tháng một lần. Nửa tiếng đồng hồ ngồi xe ôm lên hoặc xuống núi là 30 phút du khách sống trong cảm giác mạnh!

nuicam1

Ngày nay đường từ chân núi lên khu vực hồ Thủy Liêm đã mở rộng, tráng nhựa hoặc xi măng, xe mạnh chỉ chạy 10 phút là tới. Ven hồ Thủy Liêm có chùa Vạn Linh uy nghiêm với tháp Cửu Trùng cao vòi vọi nổi bật trên bức tường cây xanh sau lưng. Gần đó là bức tượng Phật Di Lặc cao 33,6 mét, được coi là pho tượng Di Lặc to lớn nhất Đông Nam Á. Bạn có thể chui lòn bên trong bức tượng, đứng nơi cao nhất nhìn ngắm phong cảnh xung quanh núi Cấm phía dưới xa.

Điều kỳ thú tiếp theo là chùa Phật Lớn. Ngày xưa, chùa nhỏ bé, mái lợp tôn. Không gian chùa có lẽ quá chật khi phải thờ một tượng phật quá lớn. Theo những người địa phương thì sở dĩ gọi chùa Phật Lớn là vì chùa có tượng phật to lớn và còn để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở hướng Đông gần chân núi. Ngày nay, chùa Phật Lớn được tôn tạo hết sức bề thế, càng làng tăng thêm phần uy nghiêm nhưng không kém hấp dẫn du khách thập phương khi “sánh vai” cùng tượng Phật Di Lặc.

nuicam2

Ngủ đêm trên núi, giá bèo nhất chỉ có 5.000đ/người, nếu bạn chịu “ngủ xá” với một chiếc chiếu và một cái mền, nằm cùng với nhiều người trên một sàn nhà. Nếu muốn có sự riêng tư với tiện nghi tối thiểu, thì với khoảng 50.000đ bạn đã có một chỗ nghỉ ngơi khá tuyệt vời. Nhưng ngủ xá trên đỉnh Bồ Hong mới tuyệt thú.

Muốn đến nơi cao nhất núi Cấm này, nơi tương truyền có nhiều huyền thoại về các nhân vật đến mai danh ẩn tích như cụ Cử Đa, Thủ khoa Huân, Đơn Hùng Tín, Nguyễn Văn Do… thì bạn nên đi xe ôm. Nơi đây, vào sáng sớm, sương mù và mây hòa quyện trắng trời khiến bạn như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Ở nơi này, bạn còn được hưởng sự tĩnh lặng của núi non, và một không khí thanh sạch tràn đầy hai buồng phổi.

Điều kỳ thú thứ ba là ở bất cứ con đường nào lên núi Cấm bạn cũng bắt gặp nhiều lều quán. Quán nào cũng có võng để khách ngả lưng nghỉ chân. Quán nào cũng bày bán nhiều loại thuốc rừng, đặc biệt là bánh xèo. Bánh mặn nhưn tép rang, thịt ba rọi, giá sống, măng tươi. Bánh chay thì nhưn tàu hủ chiên, giá sống và măng tươi. Cứ tưởng bánh không ngon, nào ngờ dưới đồng bằng không đâu sánh được. Làm sao không ngon khi vị giác của bạn được tận hưởng đủ thứ mùi vị của lá sung, cát lồi, ngành ngạnh, đọt bứa, kim thất, lá vông, mã đề… Ăn bánh xèo ở đây là bạn dự một đại tiệc của ngọn lá cọng rau núi rừng, đích thực là rau sạch. Nhẩn nha ăn bánh xèo, nếu muốn tăng thêm hưng phấn thì uống vài chai bia. Bia khá nhiều loại. Cơm dĩa và cơm phần có cả chay, mặn. Điểm tâm có các món mì, hủ tiếu mặn và chay; cà phê đen, cà phê đá, đủ hết.

Ban đêm, nhà nhà trên núi sáng trưng nhờ có máy phát điện riêng. Sẫm chiều, sương lạnh bao phủ khắp xung quanh. Càng vào sâu đêm, núi Cấm càng chứng minh cho bạn thấy người ta ví von đây là “Đà Lạt ở giữa đồng bằng” thiệt cũng không ngoa.

Mách bạn:

– Núi Cấm cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 90km theo quốc lộ 91, rẽ qua tỉnh lộ 948 và cách thị xã Châu Đốc không xa.

– Bạn có thể bắt chuyến xe từ TP. HCM – Châu Đốc. Từ Châu Đốc, đi thêm khoảng 25km – 30km nữa là bạn sẽ đến chân núi Cấm.



– Bạn có thể lên đỉnh núi bằng xe của công ty lữ hành hoặc “lội” bộ cũng thú vị không kém.



– Dọc đường lên đỉnh núi có rất nhiều võng được mắc từ các quán nước ven đường, bạn có thể vào nghỉ miễn phí mà không nhất thiết phải mua nước uống tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *