Sống khỏe khi ăn chay
ThS. BS Mai Văn Bôn
(TT) – Ăn chay giúp phòng ngừa 97% nguy cơ bệnh mạch vành (tránh bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ). Đái tháo đường cũng phổ biến hơn ở nhóm người ăn thịt so với nhóm ăn chay. Chưa kể những người ăn thịt (nhất là thịt đỏ) dễ mắc bệnh ung thư hơn.
Ngoài ra, bệnh loãng xương thường do ăn thịt quá nhiều và nguy cơ cao hơn gấp năm lần so với ăn chay. Những chế phẩm từ sữa và thịt chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu gấp 11 lần so với thực phẩm rau quả sạch.
Ăn chay còn giúp tính khí của bạn điềm tĩnh hơn, bớt hung hăng và nóng giận so với ăn nhiều thịt, mỡ… Thức ăn chay cũng dễ tiêu hóa và cơ thể cần ít chất xúc tác hơn trong quá trình chuyển hóa. Trên đây là những nguyên nhân bạn nên ăn chay.
Chọn chế độ ăn phù hợp
Mức độ, thời gian và tần suất ăn chay tùy vào khả năng thích nghi của bạn. Có thể ăn chay kéo dài suốt cuộc đời (còn gọi là ăn chay trường), ăn chay vào những ngày 1, 14, 15 và 30 âm lịch, hoặc ăn chay một số bữa trong ngày, ăn chay cách nhật… Nếu ăn chay hoàn toàn thì trứng gia cầm không được xem là món chay vì chứa mầm sống, dù là gia cầm nuôi thả hoặc công nghiệp.
Cũng nên ăn chay chủ động, khi dự tiệc hoặc đi ăn tại nhà hàng nên thông báo cho đầu bếp để chuẩn bị thức ăn chay cho bạn. Nói chung, mục đích ăn chay do bạn tự đặt mục tiêu và kế hoạch cho riêng mình, miễn là làm chủ được bản thân và thực hiện nghiêm túc, sẽ giúp bạn sống khỏe.
Rất nhiều danh nhân thuộc các lĩnh vực khác nhau như khoa học – kỹ thuật, thể thao, âm nhạc, văn học, hội họa.. đã có chế độ ăn chay dài hạn: Einstein, Shakespeare, Lev Tolstoy, Leonardo da Vinci, Martina Navratilova, Madonna…
Những bệnh tim mạch thường do tăng quá mức cholesterol (có nhiều trong trứng và thịt), do vậy khi ăn chay, bạn đã phòng tránh được các nguy cơ và biến chứng những bệnh nguy hiểm này.
Cụ thể, hàm lượng cholesterol tính bằng đơn vị milligram (mg) trong 100 gam trứng là 550, thận (gia súc) 375, gan 300, sườn 70, thịt bò 70 và thịt gà 60. Trong khi hạt ngũ cốc, các loại hạt (dẻ, hạnh nhân, dưa, bí, hướng dương…), rau quả hoàn toàn không chứa cholesterol.
Khoa học đã chứng minh một người ăn chay có thể chỉ cần 0,72ha đất một năm để trồng rau quả phục vụ nhu cầu thực phẩm, trong khi ăn thịt phải cần đến 4,63ha để nuôi súc vật lấy thịt.
Mong muốn của mọi người là được sống khỏe vì sức khỏe mang đến nhiều lợi ích (như ít hao tổn tiền bạc, thời gian, phiền lụy cho gia đình và xã hội…). Tuy nhiên, sức khỏe tốt không chỉ là khỏe về thể xác và không có bệnh tật, mà còn phải khỏe cả về tâm hồn lẫn tinh thần trong cùng một cá thể nhất định.
Các bước để sống khỏe
1. Tạo thói quen đều đặn: Phải theo thói quen đều đặn một cách nghiêm ngặt như: dậy sớm trước lúc mặt trời mọc, tập thể dục thời điểm thích hợp, ăn điểm tâm, bữa trưa và tối vào một giờ nhất định và ngủ đúng giờ.
2. Tập thể dục thể thao: Vận động thể lực bằng môn thể thao hoặc đi bộ vào buổi sáng đủ thời gian và cường độ để đạt các mục tiêu sức khỏe: cải thiện tuần hoàn, tiêu hóa, giúp nghỉ và thư giãn, thải trừ các độc chất.
3. Ăn uống có khoa học và “khôn ngoan”:
– Nên ăn gì? Điều này rất quan trọng, chế độ ăn gồm các chất carbohydrates (tinh bột và đường), protein, chất béo, vitamin và chất khoáng. Nên ăn 80% các chất có tính kiềm và 20% chất có tính axit. Để đạt sự cân bằng nêu trên, cần ăn nhiều trái cây, rau xanh.
– Ăn khi nào? Nhiều người thường sao nhãng điều này. Nên ăn các bữa xa nhau, vào thời điểm cố định và khi thật sự đói. Điểm tâm chỉ nên ăn trái cây và rau hoặc nước ép trái cây tươi. Không nên ăn nhiều hơn ba bữa mỗi ngày. Không nên ăn bánh kẹo, thức ăn nhanh lặt vặt giữa các bữa ăn chính. Trái cây nên dung nạp ít nhất 20 phút trước bất kỳ bữa ăn nào.
– Ăn như thế nào? Điều này quan trọng không kém. Nên nhai kỹ thức ăn. Không nên uống nước lọc hoặc nước uống có gas nửa giờ trước hoặc một giờ sau bữa ăn để chức năng bộ máy tiêu hóa hoạt động thích hợp. Nên giữ không khí yên lặng, bình thản và tránh tức giận, náo động, căng thẳng trong bữa ăn (vì dễ gây tăng tiết các chất bất lợi cho cơ thể, gây viêm loét dạ dày, khó tiêu, rối loạn nhịp tim…). Giảm thiểu các thức uống như cà-phê, trà hoặc nước ngọt. Bạn phải từ chối các thực phẩm gây độc hại, thuốc phiện, rượu bia và thuốc lá.
4. Tinh thần lạc quan: Luôn vui vẻ. Chúng ta phải biết tha thứ thay cho hận thù và phải tránh giận dữ, căm hờn, ác cảm đối với người khác.
5. Vệ sinh cá nhân: Nên tắm ít nhất một lần mỗi ngày trong tất cả các mùa và ít nhất hai lần/ngày trong mùa hè. Đánh răng kỹ khi thức dậy buổi sáng, sau mỗi bữa ăn và trước khi ngủ. Nên đại tiện vào một thời điểm ấn định trong ngày (tốt hơn nên tập thói quen vào buổi sáng, sau khi thức giấc). Không nên nhịn tiểu, dễ bị sỏi thận – đường tiết niệu.
6. Nghỉ ngơi thích hợp: Thời gian ngủ khoảng 7-8 giờ là tốt cho sức khỏe đối với người trưởng thành. Sau mỗi hai giờ làm việc tay chân hoặc trí óc, nên nghỉ giải lao 10 phút để thư giãn thể xác, trầm tư (để định tâm hoặc thiền) và thở sâu.