Nam Cát Tiên – Thử thách cảm giác (Đồng Nai)

Rừng Nam Cát Tiên cách Tp. Hồ Chí Minh 160 km sẽ là một tuyến điểm du lịch sinh thái và văn hoá hấp dẫn của vùng miền Ðông Nam Bộ nằm gọn trong đoạn uốn khúc của sông Ðồng Nai, toạ lạc ngay trên ranh giới của cả 3 tỉnh Ðồng Nai, Bình Phước và Lâm Ðồng. Còn khu rừng cấm Nam Cát Tiên là phần chót và cao nhất của huyện Tân Phú (Ðồng Nai) có diện tích 36.000 ha, đại diện cho cả hệ thực vật và động vật Nam Bộ.


Từ ngã 3 Tà Lài thuộc huyện Tân Phú- Đồng Nai du khách đến Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên chỉ khoảng 24 km. Khi đến với Nam Cát Tiên, du khách như đến với một thế giới yên tĩnh của rừng núi bạt ngàn để khám phá vẻ đẹp nguyên sơ đến mê hồn của những nhánh lan rừng hay lắng nghe những bước chân thú ăn đêm… đến nao lòng!


Ngăn cách vườn quốc gia Nam Cát Tiên với đời sống xã hội bên ngoài là con sông Đồng Nai uốn mình xanh trong bao quanh 73 ngàn héc ta rừng tự nhiên trải dài trên ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai. Hệ động thực vật phong phú và đa dạng đã tạo nên một Nam Cát Tiên nên thơ với nét tự nhiên hoang sơ. Đây chính là điểm du lịch sinh thái tuyệt vời!


Khu rừng có cảnh thiên nhiên đa dạng: vừa có đồi, vừa có bãi ven sông, vừa có các trảng rộng lớn bằng phẳng, lại có các dòng chảy dốc. Vào mùa mưa các dòng suối hiền lành trở thành các dòng thác, nước đổ trắng xoá trên các triền đá lớn. Nhiều đoạn thác quanh co, lượn khúc tạo ra những bãi cát vàng rộng như các bãi tắm tự nhiên. Tục truyền, nơi đây có nàng tiên thường xuống hạ giới để vui đùa và tận hưởng dòng nước trong mát, nên được gọi là “Nam Cát Tiên”.


Giữa dòng sông rộng lớn nổi lên các hòn đảo chạy dài theo con nước. Trên đảo, cây cổ thụ mọc xen với đám cỏ rộng có thể làm nơi cắm trại, đốt lửa đêm lý tưởng. Dọc ven sông, theo lộ chính về phía tay trái là toàn bộ các kiểu rừng già, hỗn giao của các loại cây cổ thụ quý như: gõ, giáng hương, trắc, cẩm lai, gụ, bằng lăng, gỗ đỏ; hàng trăm loại cây dược liệu, hơn 60 loài hoa phong lan…

Bên phải của con đường rừng là thác trời, một ghềnh thác kỳ thú nhất của Nam Cát Tiên. Tiếp tục băng rừng, qua các thung lũng sâu sẽ đến Bàu Sấu, nơi chứa nước rộng nhất, nằm ở khu trung tâm của rừng cấm Nam Cát Tiên. Lòng bàu chứa nhiều loại cá, đặc biệt có cả cá sấu nước ngọt. Ven bàu là nơi tập hợp của nhiều đàn chim lớn như công, trĩ, gà lôi, sến, giang, mòng két, le le, cù đen…


Theo tài liệu có được, các nhà khoa học đã tìm thấy tại vườn Quốc gia Cát Tiên có 113 loại thú, 351 loại chim và 159 loại cá… trong đó có các loại đặc hữu trên thế giới và Việt Nam như tê giác một sừng, voi…

Các nhà khảo cổ học còn phát hiện một đền thờ vật linh thuộc nền văn hoá Phù Nam trên đỉnh ngọn đồi A1 (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, Lâm Ðồng) tại khu vực đầu nguồn sông Ðồng Nai. Ðó là khu đền thờ được xây bằng gạch thô, bệ, khung diềm cửa, cột trụ bằng đá xanh granit chạm trổ hoa văn, các Linga bằng vàng hoặc bằng vàng bịt bạc, một Linga – Yoni bằng đá xanh mài bóng, lớn nhất Ðông Nam á cùng hơn một trăm miếng vàng có khắc hoạ hình ảnh sinh hoạt thời đó: các vũ nữ, chiến binh, voi, bò, hoa sen… Ðây là công trình khảo cổ có giá trị văn hoá, lịch sử và tín ngưỡng lớn để có thể xác định được sự tồn tại, nguồn gốc của một vương quốc đã bị lãng quên hơn 1.300 năm.


Ngoài ra, Nam Cát Tiên không những có cảnh quan ngoạn mục, lại nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu miền núi và đồng bằng nên Nam Cát Tiên có một dạng khí hậu độc đáo. Cùng với địa hình có sông suối bao bọc làm cho khu rừng già vừa được giữ nguyên vẹn, vừa trở thành nơi qui tụ hầu hết các kiểu rừng đồng bằng Nam Bộ. Ðây là khu rừng nguyên sinh tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới vùng thấp. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *