CÂY ĐẬU PHỘNG WIKI

cây đậu phộng

CÂY ĐẬU PHỘNG

Kỹ sư Hồ Đình Hải

Cập nhật ngày 5/2/2014

cây đậu phộng

Mô hình cây đậu phộng

-Tên gọi khác: Đậu phụng, Lạc, Lạc hoa sinh (Hán Việt).

-Tên tiếng Anh: Peanuts, Groundnuts, Earthnuts, Pig nuts…

-Tên khoa học: Arachis hypogaea L.
1-Phân loại khoa học (Scientific classification)

Bộ (ordo)

Đậu (Fabales)

Họ (familia)

Đậu (Fabaceae)

Phân họ (subfamilia)

Đậu (Faboideae)

Tông (tribus)

Rút dại (Aeschynomeneae)

Chi (genus)

Lạc (Arachis)

Loài (species)

Arachis hypogaea

Cây đậu phộng trồng hiện nay thuộc loài Arachis hypogaea có 2n = 40.

Loài A. Hypogaea được chia thành hai loài phụ là Hypogaea ssp và Fastigiata ssp.

Mỗi loài phụ được phân chia thành hai thứ:

-Loài phụ Hypogaea spp chia thành thứ Hypogea (nhóm virginia) và thứ Hirsuta;

-Loài phụ Fastigiata spp chia thành Fastigiata (nhóm valencia) và Vulgaris (nhóm spanish).
2-Nguồn gốc và phân bố

Chi Lạc (Arachis) là một chi của Phân họ đậu (Faboideae) với khoảng 70 loài thực vật có hoa sống một năm hoặc lâu năm và có nguồn gốc từ khu vực Trung và Nam Mỹ.

Loài đậu phọng /lạc (Arachis hypogaea) có thể được thần hóa đầu tiên ở các vùng thung lũng của Paraguay hoặc Bolivia (Nam Mỹ), nơi mà các chủng hoang dã nhất còn phát triển cho đến ngày nay.

Ở Nam Mỹ, nhiều nền văn hóa tiền Columbus, chẳng hạn như nền văn hóa Moche, đã mô tả đậu phọng trong nghệ thuật của họ.

Ở Peru, các nhà khảo cổ đã tìm thấy mẫu vật lâu đời nhất của cây đậu phọng khoảng 7.600 năm.

Người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phát hiện cây đậu phọng ở các thuộc địa ở Nam và Trung Mỹ, từ đó cây đậu phọng được lan truyền trên toàn thế giới bởi các thương nhân châu Âu.

Vào thế kỷ 16 người Bồ Đào Nha đã mang lạc từ Brazil đến Tây châu Phi và sau đó là Tây Nam Ấn Độ.

Cây đậu phộng đã được giới thiệu đến Trung Quốc và các nước ở Tây Thái Bình Dương như Indonesia, Madagascar do thương nhân người Bồ Đào Nha vào thế kỷ 17 và một loạt các nhà truyền giáo người Mỹ trong thế kỷ 19 và sau đó lan rộng ra khắp châu Á.

Việt Nam, lịch sử trồng cây đậu phọng chưa được xác minh rõ ràng, sách “Văn đài loại ngữ” của Lê Quí Đôn cũng chưa đề cập đến cây đậu phọng.

Nếu căn cứ vào tên gọi mà xét đoán thì danh từ “Lạc” có thể do từ Hán “Lạc hoa sinh” (có người cho rằng người Hán đã phiên âm từ “Arachis”) là từ mà người Trung Quốc gọi cây lạc. Do vậy, cây lạc có thể từ Trung Quốc nhập vào nước ta khoảng thế kỷ 17-18.

Trước thế kỷ 19, cây đậu phọng ở Nam và Bắc Mỹ được người Châu Âu khai thác chủ yếu được dùng làm thức ăn gia súc.

Nhà khoa học Mỹ gốc Phi George Washington Carver (1864-1943), là người đầu tiên khuyến cáo nông dân nghèo ở châu Mỹ trồng rộng rải cây đậu phọng để làm lương thực cải thiện đời sống. Ông đã đưa ra trên 100 công thức chế biến đậu phọng làm thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm công nghiệp, nhờ đó ông đã nhận được Huân chương Spingarn của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP). Từ đó cây đậu phọng phát triển mạnh mẽ ở Nam, Trung và Bắc Mỹ.

Hiện nay cây đậu phộng có khoảng 1000 giống khác nhau được trồng khắp các nước vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Do ít mẫn cảm với thời gian chiếu sáng và có tính chịu hạn tốt cho nên lạc được trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới từ 40 vĩ độ Bắc đến 40 vĩ độ Nam (Nigam et al, 1991).
3-Mô tả

Đậu phộng là cây thân thảo đứng, sống hằng niên.

-Thân: Thân phân nhánh từ gốc, có các cành toả ra, cao 30-100 cm tùy theo giống và điều kiện trồng trọt.

-Rể: Rể cọc, có nhiều rể phụ, rể cộng sinh với vi khuẩn tạo thành nốt sần.

-Lá: Lá kép mọc đối, kép hình lông chim với bốn lá chét, kích thước lá chét dài 4-7 cm và rộng 1-3 cm. Lá kèm 2, làm thành bẹ bao quanh thân, hình dải nhọn.

-Hoa: Cụm hoa chùm ở nách, gồm 2-4 hoa nhỏ, màu vàng. Dạng hoa đậu điển hình màu vàng có điểm gân đỏ, cuống hoa dài 2-4 cm.

-Quả: Sau khi thụ phấn, cuống hoa dài ra, làm cho nó uốn cong cho đến khi quả chạm mặt đất, phát triển thành một dạng quả đậu (củ) trong đất dài 3-7 cm, mỗi quả chứa 1-4 hạt và thường có 2 hạt. Quả hình trụ thuôn, không chia đôi, thon lại giữa các hạt, có vân mạng.

Trong danh pháp khoa học của loài cây này thì phần tên chỉ tính chất loài có hypogaea nghĩa là “dưới đất” để chỉ đặc điểm quả được dấu dưới đất.

-Hạt: Quả chứa từ 1 đến 4 hạt, thường là 2 hạt, hạt hình trứng, có rãnh dọc. Hạt chứa dầu lên đến 50%.

Quả hay củ đậu phộng

Quả đậu phộng

Quả và hạt đập phộng

Cây đậu phộng có thời gian sinh trưởng khoảng 120-150 ngày sau khi gieo hạt. Nếu được thu hoạch quá sớm, quả sẽ chưa chín. Nếu được thu hoạch muộn, cuốn quả sẽ đứt khỏi cây và sẽ ở lại trong đất.
4-Thành phần dinh dưỡng

+Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA):

Trong 100 gram hạt đậu phộng chín và khô có các thành phần dinh dưỡng như sau:

Năng lượng

2385 kJ (570 kcal)

Carbohydrate

21 g

– Đường

0,0 g

– Chất xơ thực phẩm

9 g

Chất béo

48 g

– bão hòa

7 g

– không bão hòa đơn

24 g

– không bão hòa đa

16 g

Protein

25 g

– Tryptophan

0,2445 g

– Threonine

0,859 g

– isoleucine

0.882 g

– Leucin

1,627 g

– Lysine

0,901 g

– Methionine

0,308 g

– Cystine

0,322 g

– Phenylalanine

1,300 g

– Tyrosine

1.020 g

– Valine

1,052 g

– Arginine

3,001 g

– histidine

0,634 g

– Alanine

0,997 g

– Aspartic acid

3,060 g

– Axit glutamic

5,243 g

– Glycine

1,512 g

– Proline

1,107 g

– Serine

1,236 g

Nước

4,26 g

Thiamine (vit. B 1)

0,6 mg (52%)

Niacin (vit. B 3)

12,9 mg (86%)

Axit pantothenic (B 5)

1,8 mg (36%)

Vitamin B 6

0,3 mg (23%)

Folate (vit. B 9)

246 mg (62%)

Vitamin C

0,0 mg (0%)

Canxi

62 mg (6%)

Sắt

2 mg (15%)

Magiê

184 mg (52%)

Phốt pho

336 mg (48%)

Kali

332 mg (7%)

Kẽm

3,3 mg (35%)

Ghi chú! Tỷ lệ phần trăm đáp ứng nhu cầu hàng ngày cho người lớn theo khuyến cáo của Mỹ

Nguồn: Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng của USDA

+Theo các nguồn phân tích khác:

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, thành phần hóa học có trong đậu phộng bao gồm:

Hạt chứa 3-5% nước, chất đạm 20-30%, chất béo 40-50%; chất bột 20%, chất vô cơ 2-4%. Nhân lạc chứa dầu lạc gồm các glycerid của acid béo no, không no, acid oleic, acid linoleic, acid palmitic, acid stearic, acid hexaconic,…

Đậu phộng rất giàu chất dinh dưỡng, cung cấp hơn 30 chất dinh dưỡng thiết yếu và dinh dưỡng thực vật . Đậu phộng là một nguồn tốt của niacin, folate, chất xơ,vitamin E, magiê và phốt pho.

Đặc biệt, đậu phộng chứa hợp chất resveratrol có tính chống oxy hóa mạnh, làm tăng cholesterol tốt HDL giúp hệ tuần hoàn khỏe mạnh, máu huyết lưu thông tốt, da dẻ hồng hào.
5-Công dụng của cây đậu phộng

a-Hạt đậu phộng dùng làm thực phẩm trực tiếp

1-Quả đậu phộng chưa tách vỏ

+Đậu phộng luộc: Hạt đậu chưa chín hoặc đã chín được luộc để làm món ăn chơi.

Đậu phộng luộc là một món ăn phổ biến ở miền Nam nước Mỹ, cũng như ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Tây Phi.

Đậu phộng luộc

+Đậu phọng rang: Hạt đậu phọng đã chín chưa tách vỏ được rang để làm món ăn chơi.

Món đậu phộng luộc và đậu phộng rang được trẻ emphụ nữ ở các nước đang phát triển mang hoặc đội đi bán như một món hàng rong.

Đậu phộng rang

2-Hạt đậu phộng đã tách vỏ (nhân đậu)

Hạt đậu phộng đã tách vỏ là hạt dầu béo được chế biến thành nhiều dạng thức ăn ngon:

+Hạt đậu phộng rang muối dùng làm món ăn chơi: Hạt đậu rang được dùng làm món ăn chơi rất phổ biến.

Đậu phọng rang muối

+Hạt đậu phộng rang đâm nhuyễn được dùng làm muối chấm: Món muối đậu phọng được làm từ nhân đậu rang đâm nhỏ, trộn với muối và đường làm món chấm phổ biến để ăn với xôi, cơm nếp, ở Miền Nam thường gọi là muối mè (đôi khi cũng có cả hạt mè rang).

Muối mè- đậu phộng

+Hạt đậu phộng rang đâm nhuyễn dược rắc vào món ăn: Nhiều loại thực phẩm như kem, bánh bò, bánh cuốn, bánh ít trần, chè trôi nước, nộm, gỏi và các món xào, nấu được tẩm hạt đậu phọng rang đâm nhuyễn như món gia vị để tạo chất thơm và béo.

Món gỏi rắc đậu phộng

+Kẹo, bánh đậu phộng: Đậu phộng nguyên hạt, nửa hạt hoặc hạt đậu phộng đâm nhỏ được tẩm đường làm mứt, kẹo và nhân bánh các loại rất phổ biết ở các nước.

Kẹo bánh tráng đậu phộng

Kẹo nhân đậu phộng

+ Chè đậu phộng: Đậu phộng dùng để nấu chè thưng, chè nếp như các loại đậu khác.

Chè đậu phộng

+Xôi đậu phộng: Đậu phộng cũng được dùng để nấu xôi như các loại đậu khác.

Xôi nếp đậu phộng

b-Hạt đậu phọng dùng làm thực phẩm chế biến

1-Bơ đậu phọng

Bơ đậu phụng là một loại bơ được làm từ hạt đậu phọng rang. Loại bơ này là một loại thực phẩm phổ biến ở Bắc Mỹ, Hà Lan, Vương quốc Anh , Úc và một số nước Châu Á như Philippines và Indonesia. Loại bơ này được ăn kèm với bánh sandwich, mứt, sô cô la, phomat hoặc trộn với rau.

Hoa Kỳ là một nước xuất khẩu hàng đầu của bơ đậu phộng.

đậu phộng

2-Bột đậu phộng

Bột đậu phộng được làm hạt đậu phọng đã ép lấy bớt dầu, chất béo trong bột đậu phọng thấp hơn trong bơ đậu phọng nhưng chất đạm. Bộ đậu phọng được dùng để tăng hương vị cho các món nấu như món xào, súp và tăng cường vị thơm, béo trong bánh mì, bánh ngọt và các món ăn chính ở Châu Mỹ.

Bột đậu phọng có thể pha nước sôi để uống như sữa đậu phọng.

Bột đậu phộng bán ở Mỹ

3-Sữa đậu phộng

Sữa đậu phộng là một thức uống không có lactose được tạo ra bằng cách sử dụng đậu phộng ngâm nước và xay, lọc, đun chín để uống. Sữa đậu phộng được dùng như một loại thức uống thay sữa, nó thích hợp cho những người không dung nạp lactose. Tương tự như trong sản xuất sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, và sữa gạo.

Sản phẩm sữa đậu phọng thương mại ở San Francisco (Mỹ) vào năm 1999, đã nhận được sự chú ý cho là loại nước giải khát có lợi ích cho sức khỏe ở Mỹ.

Sữa đậu phộng

4-Dầu đậu phộng dùng làm thực phẩm

Dầu đậu phộng, hay dầu phộng, dầu lạc là loại dầu thực vật được chiết xuất từ hạt đậu phộng.

Dầu chiết từ hạt đậu phọng rang có hương vị đậu phộng và hương thơm mạnh mẽ, tương tự như dầu mè.

Dầu đậu phọng thường được sử dụng ở Trung Quốc, Nam Á và trong các món ăn Đông Nam Á , cả hai để nấu ăn chung, và trong trường hợp của dầu rang, cho hương vị thêm. Dầu đậu phộng có nhiệt độ sôi cao nên thường được dùng chiên thực phẩm.

Theo số liệu của USDA khi mà bảng sau dựa, 100 g dầu đậu phộng có chứa 17,7 g chất béo bão hòa , 48,3 g chất béo không bão hòa đơn , và 33,4 g chất béo không bão hòa đa.

Thành phần chính của dầu đậu phộng là axit béo như axit oleic (46,8%), axit linoleic (33,4%), và axit palmitic (10,0%). Ngoài ra nó còn chứa một số axit stearic, axit arachidic, acid arachidonic, axit behenic, axit lignoceric và các axit béo khác.

Chất chống oxy hóa như vitamin E đôi khi được thêm vào, để bảo quản dầu.

Ở Mỹ dầu đậu phộng tinh chế chất lượng cao đã loại bỏ các chất gây dị ứng đậu phộng và được xem là an toàn cho mọi người, kể cả những người dị ứng đậu phọng.

Dầu đậu phộng tinh chế ở Mỹ được miễn luật ghi nhãn chất gây dị ứng.

Dầu đậu phộng

c-Các bộ phận của cây đậu phộng dùng làm thuốc

+Theo Đông y:

Các bộ phận của cây đậu phộng dùng làm thuốc rất quý là thân, cánh, lá, củ, nhân và màng bọc ngoài của nhân, dầu lạc…đều là những vị thuốc đã được sử dụng từ lâu đời trong Đông y và trong dân gian.

Hạt đậu phộng có vị ngọt, bùi, béo; có tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, nhuận phế, lợi tràng, tiêu đờm, điều hòa huyết khí, tiêu sưng, cầm máu, lợi tiểu, tăng tiết sữa, mát họng, giảm cholesterol, chống lão hóa.

Người Trung Quốc đặt cho loại hạt này những cái tên như quả trường sinh, đường nhân đậu…

Đậu phộng được dùng để chữa bệnh suy nhược (làm việc quá sức), lao lực, làm dịu các cơn đau bụng, và phối hợp với quế, gừng, làm dịu các cơn đau bụng kinh. Thân và lá dùng chữa bệnh trướng khí ruột kết.

Tuy nhiên cần chú ý, những người cơ thể hàn thấp đình trệ và tiêu chảy kiêng ăn lạc. Hoặc ăn nhiều lạc rang quá sẽ dễ bị động hỏa (người cồn cào khó chịu). Tuyệt đối không ăn lạc đã bị nấm mốc.

+Theo Tây y:

Các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy:

-Nhân lạc có những tác dụng: Tăng lực, bồi bổ cơ thể, hạ huyết áp, giảm mỡ máu và cầm máu.

-Vỏ lụa (lớp vỏ mỏng bao ngoài nhân lạc) có tác dụng cầm máu, chữa xuất huyết, và kích thích tủy sống tạo ra tiểu cầu.

-Vỏ lạc (vỏ cứng bọc ngoài nhân lạc, vẫn dùng để đun nấu thay củi): Có tác dụng hạ huyết áp và giảm mỡ máu.

-Cành, lá cây lạc: Ngoài tác dụng hạ huyết áp và giảm mỡ máu, còn có tác dụng an thần, chống mất ngủ.

Y học hiện đại cũng có nhiều nghiên cứu về dược tính từ hạt đậu phộng. Sau đây là một số kết quả được ghi nhận về tác dụng của đậu phộng:

1. Giảm nguy cơ sinh con dị tật

Nguồn axít folic chứa trong đậu phộng rất cần thiết cho phụ nữ khi mang thai. Nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ trước khi mang thai hoặc trong thời kỳ đầu mang thai, nếu được bổ sung 400 micrograms axít folic mỗi ngày sẽ có thể giảm nguy cơ sinh con khuyết ống thần kinh đến 70%.

2. Ổn định đường huyết

1/4 chén đậu phộng có thể cung cấp cho cơ thể bạn 35% nhu cầu mangan cần thiết mỗi ngày. Mangan là một khoáng chất đóng vai trò vào quá trình chuyển hóa chất béo và carbohydrate, giúp hấp thụ canxi và duy trì sự ổn định đường huyết.

3. Ngăn ngừa sỏi mật

Có thể điều này sẽ gây ngạc nhiên. Nhưng trải qua 20 năm nghiên cứu, người ta đã chứng minh được rằng nếu ăn 1 ounce, tương đương 28,35g đậu phộng hoặc bơ đậu phộng trong vòng một tuần sẽ giảm 25% nguy cơ tiến triển của bệnh sỏi mật.

4. Phòng chống trầm cảm

Đậu phộng cũng dồi dào nguồn axít amino tryptophan, cần thiết cho quá trình sản xuất serotonin. Serotonin có lợi cho não, giúp cải thiện tâm trạng, giảm chứng trầm cảm.

5. Tăng cường trí nhớ

Vì sao đậu phộng lại được xếp vào danh sách thực phẩm cho trí não? Đó là do nguồn vitamin B3 và chất niacin chứa trong đậu phộng có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc cải thiện chức năng bộ não và thúc đẩy hoạt động trí nhớ.

6. Giảm cholesterol

Các chất dinh dưỡng giúp tăng cường năng lượng cho bộ nhớ cũng mang lại tác dụng giảm và kiểm soát lượng cholesterol. Ngoài ra, các chất này còn có thể cắt giảm những cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, có lợi cho cơ thể.

7. Bảo vệ tim mạch

Theo nhiều nghiên cứu, thường xuyên ăn các loại đậu có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đậu phộng là loại đậu giàu chất béo không bão hòa, có lợi cho tim. Bên cạnh đó, nó còn chứa các chất chống oxy hóa mạnh, điển hình là axít oleic. Ăn một nắm đậu phộng 4 lần/tuần có thể giúp bạn tránh được các bệnh tim mạch cũng như bệnh mạch vành.

8. Chống sa sút trí tuệ ở tuổi già

Nghiên cứu cũng cho thấy nguồn niacin đáng kể được tìm thấy trong đậu phộng có thể giảm 70% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Ăn 1/4 chén đậu phộng mỗi ngày sẽ cung cấp cho bạn 1/4 lượng niacin cần thiết hàng ngày.

9. Phòng bệnh ung thư

Chất phytosterol được tìm thấy nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt, bao gồm cả đậu phộng không chỉ giúp bảo vệ tim mạch bằng cách hạn chế việc hấp thu cholesterol, mà còn có thể phòng chống bệnh ung thư bằng cách ức chế sự phát triển của các khối u.

10. Giảm nguy cơ tăng cân

Ăn đậu phộng hay các loại hạt thường xuyên có thể giảm nguy cơ tăng cân. Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh những người hay ăn đậu và hạt tối thiểu 2 lần/tuần sẽ rất ít có khả năng tăng cân so với những người hầu như không bao giờ ăn chúng.

Nguồn: vietliengroup.vn-Những lợi ích của lạc/đậu phọng

http://vietliengroup.vn/view-tin-tuc-68/nhung-loi-ich-cua-lac-dau-phong.aspx

Tuy nhiên trong Tây y cũng có những cảnh báo khi dùng đậu phọng:

1- Độc tố aflatoxin: Đậu phộng và sản phẩm từ đậu phọng dể nhiểm nấm mốc Aspergillus flavus, loài nấm này sản sinh ra độc tố aflatoxin, độc tố này có thể gây ngộ độc thực phẩm trực tiếp và là chất gây bệnh ung thư. Do đó nên cảnh giác khi ăn đậu phộng và các sản phẩm từ đậu phộng, phải bảo đảm chọn đúng sản phẩm an toàn.

2-Dị ứng đậu phộng: Là một loại dị ứng thực phẩm, là một loại một phản ứng quá mẫn với chế độ ăn uống các chất từ đậu phộng gây ra một phản ứng thái quá của hệ miễn dịch mà trong một tỷ lệ nhỏ số người có thể dẫn đến triệu chứng thể chất nghiêm trọng…

Tỷ lệ nhiễm của dị ứng đậu phọng ở Hoa Kỳ là 0,6% dân số với các mức độ khác nhau. Các dị ứng nghiêm trọng nhất thường có thể dẫn đến sốc phản vệ, một tình huống khẩn cấp đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức và điều trị với epinephrine.

Các triệu chứng dị ứng đậu phộng có thể bao gồm nôn mửa , tiêu chảy , phù mạch (sưng), cấp tính đau bụng , chàm dị ứng trầm trọng, hen suyễn, và trong trường hợp xấu nhất là sốc phản vệ.

Nguyên nhân chính xác của một người nào đó phát triển dị ứng đậu phộng là không rõ. Được biết các triệu chứng của dị ứng đậu phộng có liên quan đến hoạt động của Immunoglobulin E (IgE) và các anaphylatoxins, mà hoạt động của chúng để giải phóng histamin và các chất trung gian khác từ tế bào mast (degranulation). Ngoài các hiệu ứng khác, histamin gây giãn mạch của động mạch và co thắt phế quản trong phổi, còn được gọi là co thắt phế quản (thắt của đường hô hấp).

Với những người dị ứng đậu phộng cách phòng tránh tốt nhất là loại trừ chế độ ăn uống có các loại thực phẩm từ đậu phộng và các thực phẩm chế biến từ đậu phộng như bơ, dầu đậu phộng

d-Các công dụng khác của đậu phọng

1-Dầu đậu phộng dùng trong công nghiệp

-Trong y tế:

Dầu đậu phộng được dùng để làm xà phòng trong dân dụng và y tế.

Ở Mỹ theo nghiên cứu của George Washington Carver, dầu đậu phọng có thể dùng như một loại dầu massage để làm đẹp da cho phụ nữ.

-Trong nhiên liệu:

Ở Pháp trong năm 1900, tại triển lãm Paris 1900, công ty Otto , theo yêu cầu của chính phủ Pháp , đã chứng minh rằng dầu đậu phộng có thể được sử dụng như một nguồn nhiên liệu cho các động cơ diesel, điều này mở ra một triển vọng đầu tiên của dầu diesel sinh học công nghệ.

2-Bánh dầu đậu phộng dùng làm thức ăn chăn nuôi

Đậu phộng sau khi ép dầu còn lại là bã dầu hay bánh dầu, trong phần bánh dầu còn lại một phần chất béo và nguồn chất đạm rất cao, dược dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc.

3-Thân lá cây đậu phộng được dùng làm thức ăn xanh cho gia súc

Thân lá cây đậu phộng giàu nguồn đạm và hydrate carbon nên dược dùng làm thức ăn tươi hoặc ủ chua cho động vật nhai lại rất tốt.

4-Trồng đậu phộng có tác dụng cải tạo đất

Nhiều loài cây trong họ đậu (đậu nành, đậu xanh, đậu phọng…) chứa các vi khuẩn cộng sinh có tên là Rhizobia, chúng nằm trong các nốt sần của bộ rễ. Các vi khuẩn này có một khả năng đặc biệt là cố định nitơ từ khí quyển thành ammoniac (NH3). Phản ứng hóa học là:

N2 + 8 H+ + 8 e− → 2 NH3 + H2

Ammoniac sau đó được chuyển hóa thành một dạng khác, ammonium (NH4+), có thể được một số thực vật hấp thụ theo phản ứng sau:

NH3 + H+ → NH4+

Loài Vi khuẩn Rhizobium cộng sinh trên rễ cây họ Đậu vừa cung cấp trực tiếp lượng đạm cho cây đậu vừa là cây có tác dụng bồi bổ lượng đạm và vi sinh vật đất.
6-Các bài thuốc Đông y từ cây đậu phọng

Đậu phọng không chỉ là một thực phẩm, mà nó còn là một vị thuốc quý. Từ lá, vỏ, hạt đến màng hạt… đều có tác dụng chữa bệnh, từ dưỡng huyết, bổ tỳ, phổi đến chữa ho, viêm phế quản, viêm mũi

Dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc Đông y từ cây đậu phọng:

1-Chữa ho nhiều đờm: Nhân đậu phộng 30 g, nấu chín nhừ rồi trộn lẫn 30 g mật ong, ngày ăn 2 lần sẽ khỏi. (Theo vietbao.vn).

2-Chữa ho lâu ngày không khỏi: Nhân đậu phộng cộng với táo tàu, mật ong, mỗi thứ lấy 30 g sắc lấy nước uống, uống 2 lần/ ngày. (Theo vietbao.vn).

3-Chữa ho lâu ngày, đờm ít: Nhân đậu phộng 15 g, hạnh nhân ngọt 15 g rồi giã nát. Lấy mỗi lần 10 g trộn với một ít mật ong, hoà lẫn nước sôi rồi ăn. (Theo v ietbao.vn).

4-Chữa viêm khí quản mạn tính: Mỗi ngày ăn 30 g đậu phộng vào buổi sáng và buổi tối. (Theo vietbao.vn).

5-Trị bệnh nói khàn: Nấu 60 – 100 g đậu phộng rồi ăn (để cả vỏ bọc ngoài nhân hạt đậu). Ngày ăn 1 lần, nếu ăn cùng mật ong thì hiệu quả tốt hơn. (Theo vietbao.vn).

6-Chữa bệnh cao huyết áp, cao mỡ máu:

– Nhân đậu phộng để cả vỏ bọc rồi ngâm trong dấm, sau đó bọc kín miệng lọ. Sau một tuần bỏ đậu ngâm ra ăn, mỗi lần ăn 10 hạt, ngày ăn 2 lần. (Theo vietbao.vn).

– Lấy 125 g vỏ cứng củ lạc (có thể nghiền vụn ra), nấu lấy nước uống, mỗi lần 10 g, ngày uống 3 lần. (Theo vietbao.vn).

– Lá lạc, thân cây lạc non mỗi thứ 30 g, sắc lấy nước uống, ngày 1 thang. (Theo vietbao.vn).

– Lấy vỏ đậu phọng 100g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Hoặc vỏ đậu phộng đem tán nhỏ, rây mịn, cất vào lọ nút kín dùng dần. Hàng ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 9g, dùng nước ấm chiêu thuốc. (Theo Lương y Hư Đan-Tri Thức Trẻ).

7-Chữa bệnh thiếu máu:

– Nhân lạc 100 g, táo tầu, đường đỏ mỗi thứ 50 g, nấu nhừ lên, ngày ăn 1 lần. (Theo vietbao.vn).

– Nhân lạc, đậu đỏ, đậu xanh, mỗi thứ 30 g; đường đỏ, đường trắng, dường phèn mỗi thứ 10 g rồi nấu nhừ lên, ngày ăn 1 lần. (Theo vietbao.vn).

– Nhân lạc, hạt sen đã bỏ vỏ và tâm sen mỗi thứ 30 g; cẩu khởi 15 g; táo tầu 9 quả, một ít đường đỏ rồi cho 300ml nước vào nấu cách thuỷ cho nhừ, ngày ăn 1 – 2 lần. (Theo vietbao.vn).

8- Chữa bạch cầu giảm:

Màng mỏng bọc nhân đậu phộng 10g, táo tàu 10 quả, nấu ăn.

Nhân đậu phộng, ý dĩ nhân (hạt bo bo), đậu đỏ loại nhỏ hạt, táo tàu, mỗi thứ 30g, nấu ăn, ngày 1 lần. (Theo DS Mỹ Nữ).

9-Chữa loét dạ dày và hành tá tràng: Lạc nhân 100 g nấu lẫn với thịt lợn hoặc trứng gà để ăn. Cũng có thể uống 2 thìa dầu lạc đã nấu vào buổi sáng, sau nửa gìơ thì bắt đầu ăn sáng. Dùng như vậy trong 1 – 2 tuần liên tục là thấy có kết quả. (Theo vietbao.vn).

10-Chữa đi tiểu ra máu do vận động nhiều:

– Lạc nhân, hạt sen đã bỏ vỏ cứng và tâm sen mỗi thứ 30 g. Nấu sôi xong cho lửa nhỏ hầm thật nhừ, sau đó cho 1 thìa đường vào đun tiếp, một lúc sau đem ăn, 2 ngày ăn một lần. (Theo vietbao.vn).

– Vỏ bọc ngoài nhân lạc khoảng ½ chén nhỏ, đem rang khô rồi nghiền vụn, hoà nước uống mỗi ngày 1 – 2 lần. (Theo vietbao.vn).

11-Chữa viêm mũi: Lạc nhân 30 g nấu chín, cho thêm ít đường phèn rồi ăn hết trong ngày. (Theo vietbao.vn).

12-Chữa đau khớp: Rễ cây lạc 60 g, nấu với một ít thịt lợn nạc thật nhừ rồi ăn. (Theo vietbao.vn).

13-Chữa phù chân: Lấy nhân đậu phộng (để cả màng vỏ), trần bì, tỏi nấu chín thành canh ăn rất tốt. (Theo báo Đất Việt).

14-Chữa di tinh: Vỏ bọc ngoài nhân lạc 6 g, nấu lấy nước uống mỗi ngày 2 lần. (Theo vietbao.vn).

15-Chữa viêm thận mạn tính: Dùng nhân đậu phộng, đậu tằm rang với đường đỏ để ăn, hoặc nhân đậu phộng sắc với hồng táo để uống. (Theo báo Đất Việt).

16-Chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ: Dùng lá đậu phộng (có thể kèm cả cành) tươi 100g hoặc 40g cành lá khô, cho vào nồi, đổ ngập nước, đặt lên bếp đun sôi, sau đó đun nhỏ lửa thêm 10 phút nữa là được. Nước chắt ra chia thành 2 lần uống vào buổi sáng và buổi tối. Bệnh viện Liêu Ninh (TQ) đã thử nghiệm dùng bài thuốc này để điều trị mất ngủ, kết qủa cho thấy sau khi dùng thuốc 4-7 ngày, ở đại bộ phận bệnh nhân, giấc ngủ đều được cải thiện ở mức độ nhất định. Thuốc còn có tác dụng điều hòa huyết áp và hàm lượng cholesterol trong huyết thanh máu. (Theo Lương y Hư Đan-Tri Thức Trẻ).

17- Chữa suy dinh dưỡng gây phù nề: Lấy nhân đậu phộng hầm với cá trắm và rượu để ăn. (Theo báo Đất Việt).

18-Chữa thiếu sữa, sản phụ táo bón: Lấy nhân đậu phộng hầm với chân giò lợn ăn. (Theo báo Đất Việt).

Chú ý! Sử dụng đậu phọng cần chú ý một số vấn đề: Dùng quá liều có thể gây ỉa chảy, hoặc khiến mắt, miệng, hoặc mũi bị khô. Người vốn nhuận tràng, đại tiện lỏng do hàn thấp ứ trệ, không nên dùng độc vị (cần phối hợp với một số vị thuốc khác). Ngoài ra, đậu phộng bị mốc dễ gây ung thư gan, cũng không được dùng. (Theo Lương y Hư Đan-Tri Thức Trẻ).

Thu hoạch đậu phộng ở Việt Nam

Kỹ sư Hồ Đình Hải

Tài liệu tham khảo

1-http://en.wikipedia.org/wiki/Arachis

2-http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi_Lac

3-http://en.wikipedia.org/wiki/Arachis_hypogaea

4-http://en.wikipedia.org/wiki/Peanut_allergy

5-http://cropsdiversity.blogspot.com/2013/01/normal…html

6-http://nongnghiep.vn/…/Dau-phongThuc-an-vi-thuoc-quy-mua-dong.aspx

7-http://vietbao.vn/Suc-khoe/Nhung-bai-thuoc-hay-lam-tu-cay-lac-hat-lac/…/

8-http://www.tienphong.vn/thuoc-hay-thay-gioi/cu-lac-cay-lac-chua-tang-huyet-ap.tpo

9-http://www.chaosenbatbao.vn/…/view/9-cong-dung-chua-benh-cua-lac-dau-phung-

10-http://www.thaphimex.com/…/dau-phong-va-10-loi-ich-tieu-bieu.html

11-http://hoinongdan.cantho.gov.vn/?tabid=156&ndid=81&key

12-http://vietliengroup.vn/…/nhung-loi-ich-cua-lac-dau-phong.aspx

13-http://www.haugiang.gov.vn/Portal/HtmlView.aspx?pageid=3141&ItemID=…

14-http://pce.vn/index.php/tin-tuc/kin-thc-nong-nghip/quy-trinh-k-thut-cay-u-phng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *