Chùa cổ Kiến An Cung (Đồng Tháp)

Chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách tọa lạc tại phường 2, trung tâm thị xã Sa Đéc, là công trình văn hoá đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1990. 

Chùa do nhóm nguời Hoa ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) định cư tại Sa Đéc xây dựng để thờ cúng tổ tiên và dạy dỗ con cháu, khởi công xây dựng từ năm Giáp Tý (1924) đến mùa thu Đinh Mậu (1927) thì làm lễ khánh thành. 

Đến với di tích này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một lối kiến trúc độc đáo, lộng lẫy và trang trọng. Chùa quay mặt ra rạch Cái Sơn, được xây theo kiểu chữ “Công” uy nghi, bề thế, gồm 3 gian, trong đó gian giữa rộng nhất là điện thờ. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn làm trụ. 

Mái chùa lợp ngói dợn sóng rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo chữ “ngũ hành”. Sáu đầu ngọn sóng là sáu cung điện thu nhỏ. Mái ngói được làm rất công phu, gồm 3 lớp: mặt trên là ngói, mặt giữa là gạch, cuối cùng là ngói. 

Chùa Kiến An Cung

Chùa Kiến An Cung – Ảnh: Sưu tầm

Chùa Kiến An Cung

Chùa Kiến An Cung – Ảnh: Sưu tầm

Trước cửa chánh điện có hai con Kỳ Lân bằng đá xanh to lớn, miệng ngậm trái châu, chạm khắc tinh xảo. Hai bên tả, hữu là 2 vị thần Thiện – Ác. Bước vào bên trong là sân lộ thiên nhỏ để dành làm chỗ cúng tế theo cổ tục. Những cột lớn trong chánh điện, các tấm hoành phi, bao lam, đối liễn đều được chạm trổ hoa lá, chim muông lộng lẫy, tôn nghiêm.

Chánh điện chùa thờ Quan Công (Quan Vân Trường), Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phía trong chánh tẩm là bệ thờ ngài Quảng Trạch (Ông Quách). Hằng năm chùa có 2 ngày lễ tế: ngày 22/2 và ngày 22/8 âm lịch. Mỗi 3 năm có thiết lập trai đàn, cúng cầu siêu cho bá tánh quá vãng và cầu cho quốc thái dân an.

Chùa Kiến An Cung

Khuôn viên Chùa Kiến An Cung – Ảnh: Sưu tầm

Chùa Kiến An Cung

Khuôn viên Chùa Kiến An Cung – Ảnh: Sưu tầm

Khách đến viếng chùa sẽ thấy mọi thứ trong ngoài đều được sắp đặt khéo léo, không chỉ nhằm tăng thêm vẻ mỹ quan mà còn có ý nghĩa giáo dục, khuyên con nguời tránh dữ làm lành. Hai bên vách tô điểm những hình thập diện phong trần và nhiều chuyện xưa ý nghĩa thâm trầm. Ở mặt chính trên vách chùa có trang trí những cây cối, chim, thú, tượng nguời ghép bằng mảnh gốm màu thu nhỏ tạo thành những bức tranh nằm theo đường gờ lắp kính. Mái trước cửa ra vào có 4 chậu hoa bằng gỗ sơn son thếp vàng, giữa có tấm hoành phi “Kiến An Cung”.

Chùa Kiến An Cung

Hoa văn trên mái Chùa Kiến An Cung – Ảnh: Sưu tầm

  

Trên cửa ra vào có 6 con Lân gỗ thếp vàng, ở mỗi mặt của cánh cửa có vẽ cảnh sinh hoạt của vua chúa và các quan ngày xưa. Hai bên cửa chính có hai câu đối trang trí hoa văn xung quanh, nền chạm hoa mai và hạc thếp vàng rực rỡ. Cửa chính có các bức tranh theo lối thủy mặc, nét hoạ uyển chuyển, sắc bén, còn cửa hai bên lại có chạm khắc bông sen, chim thú thật sinh động…

Chùa Kiến An Cung

Bên trong Chùa Kiến An Cung – Ảnh: Sưu tầm

Chùa Kiến An Cung

Bên trong Chùa Kiến An Cung – Ảnh: Sưu tầm

Trăm nghe không bằng một thấy, nếu có dịp về Đồng Tháp, mời bạn đến viếng chùa Kiến An Cung để tận mắt chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc chùa miếu, một nghệ thuật chạm khắc tinh vi và cũng để hiểu vì sao Bộ Văn hoá thông tin đã quyết định công nhận nơi này là di tích lịch sử – văn hoá.

Chùa Kiến An Cung

Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa – Ảnh: Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *