Miền Nam với đặc trưng của một vùng đất có nhiều sản vật trù phú, thời tiết thuận lợi cho các loại cây, trái, gia súc, gia cầm hay thủy sản phát triển, đặc biệt vào dịp Tết. Mâm cơm ngày Tết của miền Nam có phần phong phú và không gò bó về nghi thức. Món khai vị cũng có chả, nem, gỏi gà xé phay, kiệu chua, tai heo ngâm giấm. Các món dự trữ thì có lạp xưởng, bao tử nhồi, da bao.
Đối với đa số các gia đình miền Nam thì Tết đến nhà nào cũng có nồi thịt kho nước dừa ăn với dưa giá, dưa món, củ kiệu. Có củ kiệu thì còn phải chuẩn bị tôm khô. Đây là một món đơn giản mà người miền Nam nào cũng chuẩn bị cho ngày Tết.
Khi có khách đến chơi đột xuất, có thể gắp ngay một dĩa củ kiệu với vài con tôm khô để khách nhâm nhi với ly rượu trong khi chờ bà chủ nhà chuẩn bị các món ăn khác. Bên cạnh đó, trong nhà cũng luôn có một nồi khổ qua hầm với mong muốn cực khổ qua đi. Đây cũng là một món ăn có tính mát, giúp tiêu thực và giải độc, phù hợp cho những ngày đầu năm.
Tương tự như miền Trung, mâm cơm tết miền Nam cũng không thể thiếu món bánh tét. Bánh tét miền Nam thoạt nhìn cũng giống với bánh tét miền Trung, nhưng thực tế có nhiều khác biệt. Như đã trình bày phần trên, bánh tét miền Trung gói chặt, nhân đậu xanh ít và chú ý đến yếu tố bảo quản cho được lâu. Bánh tét miền Trung gói từ gạo nếp sống, chỉ xốc với ít muối, trong khi bánh tét miền Nam thì rất đa dạng. Sự đa dạng này thể hiện từ nhân bánh, vỏ bánh cho đến cách tạo hình và chủng loại, màu sắc. Phần nếp bên ngoài có khi được trộn lẫn với dừa nạo, có khi với đậu đen, hoặc là hạt điều, là cẩm, lá dứa tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Phần nếp này thường được xào trên bếp với nước cốt dừa để nếp ra chất nhựa, giúp bánh dễ gói hơn, ngoài ra, khi ăn sẽ dẻo, thơm và béo ngậy vị dừa. Phần nhân thì ngoài nhân đậu xanh với mỡ, còn có nhân chuối, nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng muối. Một số nơi còn tạo hình bên trong bánh thành hoa mai, chữ thọ, chữ phúc, khi cắt ra trông rất đẹp và độc đáo. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là loại bánh tét nhân đậu xanh với thịt mỡ và lòng đỏ trứng muối. Khi bày ra bàn sẽ dọn ra ăn kèm với dưa món, củ kiệu, tôm khô, lạp xưởng. cà rốt, củ cải ngâm nước mắm.
Một số loại bánh tét độc đáo của miền Nam
Món tráng miệng trong mâm cơm ngày Tết ở miền Nam thường có các loại mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu, mứt gừng dẻo, mứt củ năng, mứt khoai lang. Một món tráng miệng đặc sắc của miền Nam có tiêu thực rất tốt vào ngày tết là món cơm rượu. Món cơm rượu của miền Nam có cùng nguyên tắc chế biến với món rượu nếp miền Bắc. Chỉ khác phần tạo hình và loại nếp sử dụng. Người miền Bắc dùng nếp lức cho món rượu nếp, còn món cơm rượu của miền Nam thì làm từ nếp thơm thông thường. Tuy nhiên món rượu nếp của miền Bắc thường chỉ làm vào dịp tết Đoan ngọ, hay còn gọi là tết sâu bọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch), còn món cơm rượu ở miền Nam thì cả vào dịp Tết Nguyên đán, người ta cũng thường hay chuẩn bị để dùng như món tráng miệng có tác dụng tiêu thực.
Món tráng miệng trong mâm cơm ngày Tết ở miền Nam thường có các loại mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu, mứt gừng dẻo, mứt củ năng, mứt khoai lang. Một món tráng miệng đặc sắc của miền Nam có tiêu thực rất tốt vào ngày tết là món cơm rượu. Món cơm rượu của miền Nam có cùng nguyên tắc chế biến với món rượu nếp miền Bắc. Chỉ khác phần tạo hình và loại nếp sử dụng. Người miền Bắc dùng nếp lức cho món rượu nếp, còn món cơm rượu của miền Nam thì làm từ nếp thơm thông thường. Tuy nhiên món rượu nếp của miền Bắc thường chỉ làm vào dịp tết Đoan ngọ, hay còn gọi là tết sâu bọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch), còn món cơm rượu ở miền Nam thì cả vào dịp Tết Nguyên đán, người ta cũng thường hay chuẩn bị để dùng như món tráng miệng có tác dụng tiêu thực.