Bánh Hỏi Mùa Xuân Chay là món ăn được làm khi mùa xuân đang trở về với chúng ta. Hôm nay mình ăn bánh hỏi nhé các bạn! Xin hỏi, vì sao gọi là bánh.. hỏi?
Báo Sài Gòn Tiếp Thị giải thích như sau: “Hỏi đây không phải là hỏi đáp, mà bánh hỏi là tên loại bánh thường dùng cho lễ hỏi trong phong tục cưới xin. Nói văn vẻ là lễ đính hôn. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho biết: từ thuở nhỏ ông thường thấy người ta dùng bánh hỏi cho lễ đính hôn. Ở Bình Định, trong đám hỏi, nhà trai thường đi cho nhà gái xiển (mâm quả đan bằng tre) bánh hỏi. Sau lễ hỏi, nhà gái gói phần bánh hỏi gởi biếu cho họ hàng gần xa, báo tin con gái đã đính hôn.
Không chỉ là món ăn theo nghi thức sang trọng ở trên, bánh hỏi còn là món quà sáng thông thường ở các vùng quê Bình Định. Nông dân đi làm đồng thường khỏi nấu cơm sáng. Từ sáng sớm, các gánh hàng bánh hỏi len lỏi các thôn xóm. Một đầu gánh thường là bánh hỏi xếp lớp trắng tinh, đầu bên kia có thể là lá chuối, chai dầu (dầu phộng thứ thiệt), một chai nước mắm ngon nguyên chất và rổ hẹ. Họ gánh đi thường ít khi rao nhưng nhìn thấy, ai cũng biết là bánh hỏi. Gọi vào, các bà nhanh tay gỡ bánh hỏi ra xếp thành lớp trên lá chuối hoặc trên đĩa. Họ dùng cành chuối có đánh tơi một đầu rồi nhúng dầu đưa vào rổ hẹ đã xắt sẵn, thoa lên lớp bánh hỏi, lớp này đến lớp khác. Nông dân lấy nước mắm có tỏi ớt đâm nhuyễn để chấm bánh hỏi ăn ngay.”
Ngày nay mình ăn chay thì cũng dễ thôi, không dùng nước mắm mà dùng nước chấm. Món Bánh Hỏi Mùa Xuân Chay này quan trọng phần bánh hỏi tươi, nước chấm, và rau sống. Nếu không có chất đạm chay, hoặc nếu thay thế bằng đậu hủ chiên giòn, cũng ngon lắm. Tết sắp đến, mình hoành tráng một tí cho vui theo nhịp sống của mùa xuân.
Tiết mục chuẩn bị trong 7 bước nhịp nhàng:
1. Bánh hỏi.
2. Nước chấm chay có nhiều cách làm. Trước đây HH cũng có giới thiệu khi thực hiện các món khác. Để chúng ta thay đổi khẩu vị, HH sẽ sưu tầm và đăng trong một bài khác gọi là “Sưu Tập” Nước Chấm Chay để sau này mình dễ vào đó tham khảo.
3. Rau sống: sà-lách và các loại rau bạn thích hoặc muốn thử.
5. Dầu hành hoặc boa-rô hành: 1 tép hành lá hoặc boa-rô thái nhỏ, cho vào dầu nóng, tắt lửa nhanh.
6. Đậu phộng rang giã nhỏ.
7. Phần chất đạm nướng vỉ, thực hiện như ri:
1 chén chất đạm chay màu nâu ngâm nước nóng cho mềm, khoảng 15 phút, hoặc nếu muốn nhanh, luộc trong nước sôi chừng 2 phút. Xả nước lạnh; dùng tay vắt cho khô. Để ráo nước.
Ướp với các gia vị sau đây:
-2 muỗng canh đường vàng (hoặc xi-rô cây thích, mật thùa; đừng dùng bột ngọt, đừng dùng đường trắng nếu không chắc chắn là thuần chay)
-2 muỗng canh nước tương
-1 muỗng canh bột nêm thảo mộc (loại không có bột ngọt)
-2 muỗng canh sả băm nhỏ
-1 muỗng canh dầu mè
-1/2 muỗng canh tiêu
-1/2 muỗng canh ớt băm nhỏ (hoặc ớt bột)
-1/2 muỗng canh ngũ vị hương (tùy thích)
-1/2 muỗng canh tỏi băm nhỏ (tùy thích)
-1/2 muỗng canh hành tây băm nhỏ (tùy thích)
Để chừng 15 phút cho thấm, hoặc nếu không có thời giờ, có thể chiên hoặc nướng vỉ ngay cũng được (dùng bơ thực vật hoặc dầu thực vật); chất đạm chay thấm gia vị rất nhanh.
Tiết mục thưởng thức trong 3 bước nho nhỏ :
-Xếp bánh hỏi trên đĩa, cho dầu hành/boa-rô lên trên.
-Rắc đậu phộng rang giã nhỏ lên trên chất đạm chay.
-Dùng chung với rau sống và nước chấm chay.
Nếu thích vị bia, bạn có thể tìm loại không có chất cồn, không say xỉn, bà xã hài lòng.