Nhiều tai nạn đã xảy ra và không ít chuyện buồn về ý thức của teens ở ‘thiên đường Tam giác mạch’ này.
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, teen miền Bắc rầm rộ kéo nhau phượt Hà Giang để ngắm đồng hoa Tam giác mạch lung linh dưới sương, nắng mờ ảo của núi rừng trùng điệp, cao nguyên đá Đồng Văn, cổng mặt trời hùng vĩ, cột cờ Lũng Cú thiêng liêng… Mục đích đặt ra thật đẹp nhưng trên đường phượt thì mọi thứ không như mơ.
Tai nạn xe máy liên tục xảy ra
Ngã xe khi phượt xe máy lên các vùng núi cao là chuyện đã xảy ra khá nhiều nhưng những hành trình ấy vẫn vô cùng hấp dẫn người trẻ. “Tớ biết nó nguy hiểm nhưng vẫn quyết đi bởi thích được trải nghiệm, vượt qua chính mình”, Minh, 20 tuổi thành viên đoàn phượt xe máy lên Hà Giang tuần cuối tháng 10 vừa qua chia sẻ.
Phượt xe máy được trải nghiệm những cảm giác mới, kinh nghiệm mới, di chuyển linh hoạt, chủ động dừng ở những đoạn có cảnh đẹp để chụp hình. Tuy nhiên, chặng đường 300km từ Hà Nội lên Hà Giang hết đi đường cao tốc lại đến đường núi vòng vèo, cua tay áo, một bên vách đá, bên vực sâu… ẩn chứa nhiều hiểm họa. Phượt ban ngày bạn đã phải cẩn trọng, không ít nhóm còn đi đêm nguy hiểm vô cùng.
Riêng cuối tuần vừa qua, chúng tớ đã ghi nhận 4 vụ tai nạn của các đoàn phượt Hà Giang. Nguyên nhân do đường xá hiểm trở cũng có nhưng phần nhiều tai nạn lại bởi tính hiếu thắng, máu liều của các tay lái thích phóng nhanh, vượt ẩu.
“Chặng đầu tiên chúng tớ đi xuyên đêm từ Tuyên Quang lên thị xã Hà Giang. Do đi nhanh, lúc gặp ô tô trên đường thì phải phanh gấp nên tớ và 2 bạn nữa bị ngã xe. Tớ bị thương ở khuỷu tay và đầu gối còn 2 bạn kia bị vào mặt khá nặng. Một bạn vì đau và hoảng quá đã phải quay Hà Nội luôn đêm đó”, Việt, sinh viên đại học Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội, kể lại.
Trường hợp tiếp theo còn bị thương nặng hơn. Một xế điều khiển chiếc xe cà tàng (phanh trước bó cứng, phanh sau đạp chạm đất mới hãm được) nhưng không chịu sửa ngay. Cậu phượt lần đầu, tay lái yếu nhưng dọc đường lại không chịu nghe lời người đi trước. Kết quả là đoạn cua từ Quản Bạ sang Yên Minh, cậu ta đã “làm một phát” từ đường bên phải phi thẳng sang bên trái, đâm xuống rãnh thoát nước ven đường. Cả xế (người cầm lái) và ôm (người ngồi sau) đập vào vách đá, mũ bảo hiểm bị vỡ, xe dập nát, đi luôn một bên yếm. Những người cùng đoàn phải khẩn cấp chuyển bạn ấy về Hà Nội cấp cứu.
“Ôm phải khâu một đường ở sườn, nằm viện 2 ngày. Riêng xế bị gẫy xương đòn, tụ máu trong não và phải nhờ một xe du lịch đi ngang qua đưa vào bệnh viên Yên Minh sau chuyển về Việt Đức để mổ. Thực ra đoạn cua ấy rất bình thường và lại đi ban ngày nên không có gì nguy hiểm. Chỉ là do xe quá cũ nát, người điều khiển non tay nhưng bướng nên “dính đòn”, Nguyễn Giang, chia sẻ.
Nỗi buồn Tam giác mạch
Không ít mems phượt Hà Giang khi về đã mang theo “nỗi buồn Tam giác mạch”. Đó là câu chuyện về ý thức của một số bạn trẻ hồn nhiên chạy nhảy, giẫm đạp lên cánh đồng Tam giác mạch – một loại nông sản của bà con dân tộc.
< Các bạn trẻ vô tư nhảy vào giữa ruộng tam giác mạch để chụp hình. Người phụ nữ H.Mông kia chỉ còn biết ngán ngẩm đứng nhìn.
“Bản thân tớ đã lên tiếng nhắc nhở nhưng họ đều bỏ ngoài tai, cứ làm theo ý mình. Tớ đã thấy ánh mắt ngán ngẩm và bất lực của một bác người Mông khi chứng kiến cảnh giới trẻ Kinh nhà mình vô tư giẫm lên nông sản của họ”, Ngọc Anh, 19 tuổi tâm sự.
“Đúng như câu nói “Không để lại gì ngoài những dấu chân, Không lấy đi gì ngoài những bức ảnh”, dấu chân mà các bạn trẻ bây giờ đang hiểu chính là đôi chân giẫm lên cánh đồng hoa. Những vạt tam giác mạch sao trụ nổi các bàn chân có sức đè nặng 50, 60, 70kg? Và rồi đoàn phượt này tiếp nối đoàn phượt khác, liệu có còn những đồng tam giác mạch mênh mông, đẹp tươi cho họ ngắm hay chỉ là những cánh đồng hoa hoang tàn, bị dẫm nát? Xin hãy thận trọng khi đi du lịch ở những vùng đất cần phải giữ gìn cảnh sắc thiên nhiên và phải biết làm gì để bảo vệ thành quả lao động của bà con, kể cả khi cảm ơn bằng cách tặng một món tiền cho chủ nhà, chủ vườn.”, Sơnvc bức xúc trên diễn đàn phượt.
< Có xế còn phi hẳn xe máy lên “nghiền nát” ruộng tam giác mạch.
Câu chuyện về ý thức giữ gìn môi trường khi đi chụp ảnh với hoa đã nhiều lần được nhắc đến. Trước đây, những cánh đồng hoa cải trên Mộc Châu, Sơn La cũng xảy ra tình trạng này, dẫn đến việc một số người dân bản địa xua đuổi du khách không cho chụp ảnh. Năm nay, teen miền Bắc mới rộ lên phong trào ngắm Tam giác mạch ở Hà Giang nhưng liệu năm sau loài hoa ấy còn trở lại khi người dân địa phương “sợ hãi” sở thích chụp hình của các bạn trẻ nhà mình?
Vẫn còn đó những đồng Tam giác mạch và những chuyến phượt Hà Giang vẫn được ráo riết lên kế hoạch. Vậy chúng mình hãy đi sao cho an toàn, có nhiều kỷ niệm đẹp và gìn giữ được hình ảnh văn minh trong mắt mọi người.
Gặp boy bị tai nạn khi phượt xe máy lên Hà Giang
< Nguyễn Quốc Việt – một trong 3 xế bị tai nạn của đoàn phượt xe máy 50 người lên Hà Giang cuối tuần 26/10 vừa qua.
Ngã xe khi phượt đêm, bạn ấy cùng 2 xế nữa phải dừng hành trình bơ phờ, hoảng hốt bắt ô tô về Hà Nội.
Chúng tớ gặp bạn ấy trên chuyến xe khách từ Đồng Văn về thị xã Hà Giang cuối tuần mưa bão 28/10 vừa rồi. Mắt đeo kính cận to tròn, gương mặt mệt mỏi, đầu “án ngữ” mũ bảo hiểm liên tục lắc lắc, quay quay ngủ gật gù, Việt làm nhiều người trên xe phải chú ý.
Con Wave của bạn ấy còn khiến hành khách nhức đầu vì bị chảy xăng khá nhiều khi kéo lên ô tô. Hỏi ra mới biết, Việt thuộc đoàn phượt xe máy lên Hà Giang nhưng đi đường gặp tai nạn. Đau vì vết thương do ngã, đêm trước lại phải ngủ trong mưa lạnh ngoài trời ở Đồng Văn, cộng thêm việc xe cà tàng, bạn ấy đã không thể tiếp tục theo đoàn và một mình bắt ô tô về Hà Nội. Người bạn không may mắn ấy là Nguyễn Quốc Việt (20 tuổi), sinh viên năm 3, khoa Ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, đại học Ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội.
Cùng chúng tớ lắng nghe câu chuyện về hành trình nguy hiểm mà Việt vừa trải qua nhé.
< Đoàn phượt của Quốc Việt đã phải ngủ đêm ngoài trời mưa lạnh tại chợ Đồng Văn.
– Chào Quốc Việt. Bạn chia sẻ một chút về chuyến phượt xe máy lên Hà Giang vừa rồi của mình đi?
– Cuối tuần trước (26/10) tớ đã cùng đoàn gồm 50 người đi phượt Hà Giang bằng xe máy. Bọn tớ xuất phát ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội và hôm đầu tiên đi xuyên đêm đến 6h sáng hôm sau thì đến Hà Giang. Lúc đó, đoàn rất mệt mỏi, tranh thủ ăn sáng xong chúng tớ ngủ vạ vật trước cửa nhà người dân. Đến tối, chúng tớ có mặt ở Đồng Văn nhưng khó khăn lắm mới sắp xếp ăn uống bởi quá đông dân phượt Hà Giang dịp này khiến quán nào cũng chật cứng chỗ ngồi.
Đoàn tớ không thuê được nhà nghỉ nên đã phải ngủ ngoài trời. Đêm đó Đồng Văn lại còn có mưa, rất lạnh. Cả đoàn không có túi ngủ hay cái gì đắp cho ấm áp nhưng vẫn khò khò hết vì đứa nào cũng mệt nhừ.
– Bình thường các đoàn phượt chỉ đi 7 – 10 xe, đoàn bạn lên tới 50 người như thế thật nguy hiểm, các bạn có giải thích gì về chuyện này?
– Uhm, tớ cũng thấy mình khá mạo hiểm khi nhập đoàn phượt này, người đông quá lại không quen biết nhau từ trước. Admin đăng tin trên Facebook rồi mọi người cứ thế vào đăng kí và ghép đôi với nhau thôi. Tớ cũng đã nghĩ rằng, đi đông quá như thế rất khó bảo đảm được kỷ luật, an toàn cho cả đoàn. Tớ cũng đã nghĩ đến nguy hiểm có thể xảy ra vì mình chạy ở đường cao tốc, đường núi, lại đi đêm nữa. Bản thân tớ cũng chưa có kinh nghiệm đi đường dài nhưng nghe đến từ “phượt”, mà lại là “phượt xe máy lên tận Hà Giang” thì tớ thấy thú vị lắm. Vì vậy, tớ vẫn quyết định tham gia để thử sức mình.
Tuy nhiên, đúng như dự đoán, đoàn đông quá nên khó kiểm soát. Một số bạn đi sau cứ thích vượt lên đầu rồi cũng có một số tai nạn dọc đường nữa.
– Cụ thể các bạn đã gặp tai nạn trong hoàn cảnh nào?
– Có 3 xe đã bị ngã khi đi đêm ở chặng Tuyên Quang lên Hà Giang, trong đó có tớ. Vì trời tối quá, tớ cũng không xác định được chính xác vị trí. Mắt tớ bị cận nên khó nhìn đường khi chạy tối. Ở đoạn đường ấy có khá nhiều sỏi đá và đoàn chạy ở tốc độ 70 -80 km/h nên khi đột ngột bóp phanh, tớ và 2 xe nữa đã bị trượt. Các ôm thì không sao nhưng xế nào cũng bị trầy xước. Tớ bị thương ở khủy tay, đầu gối chân đến bây giờ vẫn còn rất đau vì toàn trúng những chỗ cử động nhiều. Hai bạn khác bị vào mặt nặng hơn và được cho vào viện kiểm tra, cũng may không vấn đề gì. Tuy nhiên, các bạn ấy đã phải bỏ dở hành trình vì đau và hoảng loạn. Đi tốc độ cao mà bị ngã xe thì rất tâm lý, áp lực mà.
< Hình ảnh của một nhóm trong đoàn phượt xe máy Việt tham gia vào sáng hôm sau khi đang lụp xụp áo mưa chuẩn bị lên đường đi Lũng Cú còn Việt rời đoàn bắt ô tô về Hà Nội.
Tớ theo đoàn lên được đến Đồng Văn rồi sau đêm ngủ lạnh ngoài đường, tớ cũng phải dừng hành trình và bắt ô tô về Hà Nội. Bản thân cũng mệt và vì xe tớ yếu quá không đổ đèo Lũng Cú cùng đoàn được.
Nói chung chạy xe đêm lên Hà Giang mình khó tránh nguy hiểm khi có nhiều ổ gà, gặp xe công ở đường cao tốc, chưa kể những đoạn đổ đèo, khúc cua tay áo. Nếu có dải phân cách còn đỡ, đoạn nào không có thì rất dễ lao xuống vực.
– Trời! Đi đêm mà chạy xe 70-80km/h các bạn có biết điều đó không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân các bạn mà cả những người đi đường khác?
– Tớ cũng không hiểu nổi sao mọi người lại phóng như thế nữa. Phải gọi đó là cuộc đua xe mới đúng. Nhưng tớ cũng phải chạy theo đoàn thôi vì nếu không, tớ sẽ bị rớt lại đằng sau mất. Nghĩ lại, tớ tự thấy mình quá dại dột.
– Vậy sau hành trình phượt xe máy lên Hà Giang này, bạn thấy mình được gì và mất gì?
– Tớ được nhiều thứ lắm đấy. Mình có thêm nhiều kinh nghiệm khi đi đường trường, đường núi, rút ra bài học về việc suy nghĩ, tìm hiểu kĩ trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào, rồi có nhiều kỷ niệm vui, trải nghiệm thú vị… Cái mất thì chắc là “mất” vì bị hành xác tương đối nhiều. Tớ mang đi 2 triệu nhưng sau vẫn cháy túi, không có tiền để bắt xe từ thị xã Hà Giang về Hà Nội. Trước đó tớ đã chi 500k thuê xe máy, nộp 500k cho đoàn, chưa kể sửa chữa xe dọc đường, rồi tiền đi từ Đồng Văn về Hà Giang cả người và xe cũng hết 500k nữa.
Sau này có cơ hội, tớ vẫn sẽ tiếp tục tham gia phượt bằng xe máy đến những cung đường khác để có nhiều trải nghiệm mới. Nếu có đủ tư liệu, tớ cũng muốn làm một đoạn phim ngắn về chuyến phượt Hà Giang này.
Du lịch, GO! – Theo Trang Chóe (Ione.vnexpress), internet