HOẠT THẠCH   滑  石

Hoạt thạch

Hoạt thạch là khoáng chất, để nguyên thành những hòn không đồng đều, màu trắng thứ không tinh khiết thì màu xám tro, màu lục hoặc màu vàng, hơi trong nhẹ, dễ vỡ.

HOẠT THẠCH   滑  石

Talcum.

Hoạt Thạch

Xuất xứ: Bản Kinh.

Tên Việt Nam: Bột Tale.

Tên khác: Dịch thạch, Phiên thạch, Thoát thạch, Lãnh thạch (Biệt lục), Quế lâm hoạt thạch, Quế phủ hoạt thạch (Bản Thảo Cương Mục), Tân tạch (Bản Thảo Diễn Nghĩa), Cửu lãnh, Bạch hoạt, Thạch dịch, Thạch lăng, Lợikhiếu, Cộng thạch, Hoạt thạch, Ban thạch, Hoạt thạch, Bạch ngọc phấn, Bạch trọng ninh, Lập chế thạch, Lôi hà đốc tử (Hoà Hán Dược Khảo), Ô hoạt thạch (Lôi Công Bào Chích Luận), Nguyên hoạt-thạch, Phi hoạt -thạch, Khối hoạt-thạch, Hoạt thạch phấn (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Tên gọi: Chất mịn, sờ trơn láng nên gọi là Hoạt thạch.

Tên khoa họcTalcum.

Mô tả: Hoạt thạch là khoáng chất, để nguyên thành những hòn không đồng đều, màu trắng thứ không tinh khiết thì màu xám tro, màu lục hoặc màu vàng, hơi trong nhẹ, dễ vỡ. Thành phần chủ yết của nó là Magie Silicat [Mg(Si4 010) (0H)2] Hoặc Metasilicat Acid Magnesium [MG3H2(SI03)4] hoặc 3MG0, 4SI02, H2O, thường làm phấn thoa rôm, bao thuốc viên, kem đánh răng.

Địa lý: Có nhiều ở Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Giang Tây, Sơn Đông.

Phân biệt: Ngoài vị kể trên ra, người ta còn dùng loại Nhuyễn hoạt thạch hay Cao lãnh thạch (Kaolinum), thành phấn chủ yếu là AL4 (SI4O10)(OH)8 hoặc AL2O3, 2SIO2, 2H2O đôi khi có ít sắt, dùng công dụng như Hoạt thạch.

Mô tả dược liệu: Thường được nghiền thành bột, bột màu trắng mịn, sờ trơn mát, tỷ trọng 2,7-2,8 không tan trong nước, khó bị acid phá hủy.

Bào chế:

1- Khi dùng cần dùng Bạch hoạt thạch là loại trắng tinh làm thanh bột, cùng nấu với Mẫu đơn bì 1 giờ, xong bỏ Mẫu đơn bì đi mà chỉ lấy Hoạt thạch, lấy nước lọc sạch phơi khô (Lôi Hiệu).

2- Thường nghiền thành bột, dùng sống hoặc ngâm nước, nghiền nhỏ rồi thủy phi.

Tính vị: Vị ngọt, Tính lạnh.

Quy kinh: Vào kinh Vị, Bàng quang.

Tác dụng: Lợi tiểu, thấp thấp, thanh thử.

Chủ trị:

1- Phiền khát do thử nhiệt, ỉa chảy.

2- Tiểu không thông.

3- Đái lắt rắt đau thắt, sỏi thận hoặc bàng quang.

4- Lở láy ngoài da.

Liều dùng:  Uống 9g-30g, sắc uống hoặc tán bột uống sau khi sắc được thuốc. Dùng ngoài tùy ý, xức vào nơi lở láy chảy nước.

Kiêng kỵ: Âm hư không có thấp nhiệt cấm dùng. Tỳ hư khí nhược, hoạt tinh cấm dùng.

Bảo quản: Cất vào lọ kín, tránh ẩm.

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Trị có thai bí tiểu: Hoạt thạch trộn nước như bùn đắp dưới rốn 2 thốn (Ngoại Đài Bí Yếu ).

+ Trị vàng da của phụ nữ, do lao lực quá độ, phát sốt về chiều, sợ lạnh, bụng dưới đau gấp, đại tiện lỏng đen, dùng Hoạt thạch, Thạch cao, hai vị bằng nhau tán bột uống 1 muỗng súp với nước Đại mạch, ngày 3 lần, tiểu tiện thông thì thôi, nếu bụng trướng lên thì khó trị (Thiên Kim Phương).

+ Trị lở loét khe ngón chân: Hoạt thạch 30g, Thạch cao (nung) nửa lượng, Khô phàn một tý. Tán bột xức vào, có thể trị ẩm ướt bìu dái, cơ quan sinh dục (Thiên Kim Phương).

+ Trị phiền nóng ở thượng cách, khát nước nhiều, lợi cửu khiếu: Hoạt thạch 60g, 3 chén nước sắc còn 2 chén bỏ bã cho gạo tấm vào nấu cháu ăn (Thánh Huệ Phương).

+ Trị vú sưng như đá, phiền nhiệt bức rứt khát nước, dùng bột Hoạt thạch nửa lượng khuấy nước uống (Thánh Huệ Phương).

+ Trị phụ nữ nín tiểu sinh ra tức bọng đái: Hoạt thạch uống 6g với nước Hành sắc (Thánh Huệ Phương).

+ Trị thương hàn chảy máu cam: bột Hoạt thạch luyện với cơm làm viên lớn bằng hạt Ngô đồng, lần uống 10 viên. Thang Hối Thúc ghi rằng: Chứng chảy máu cam là sở dĩ bệnh đáng phát hãn mà không dám phát hãn cho nên nó mới phát ra như thế, huyết ra ấy màu đen tím chẳng kể nhiều hay ít cứ để cho ra không nên cầm lại và nên uống thuốc ôn hòa để điều vinh vệ của nó, đợi cho tới khi ra huyết tươi mới dùng thuốc này để cầm (Bản Sự Phương).

+ Trị thổ nghịch quá không ăn uống được: Sinh hoạt-thạch tán bột 6g uống với nước ấm, sau đó ăn Miến để đè lên thuốc (Bản Sự Diễn Nghĩa).

+ Trị bị đánh đập sưng đau:  Hoạt thạch, Xích thạch nhi, Đại hoàng, các vị bằng nhau tán bột, rửa bằng nước trà nóng đắp thuốc lên (Kinh Nghiệm Phương).

+ Trị bệnh nhiệt độc kỳ lạ, có các triệu chứng mắt đỏ sưng to, suyễn, toàn thân nổi ra những nốt ban, lông tóc cứng như sắt, vì trúng nhiệt độc khí kiết ở hạ tiêu. Dùng Hoạt thạch, Bạch phàn, mỗi thứ 30g tán bột uống với nước 3 chén sắc còn phân nửa uống (Kỳ Tật Phương).

+ Trị khí nghẽn làm quan cách không thông, tiểu tiện lắt nhắt, tức đầy dưới rốn kèm đau, dùng bột Hoạt thạch 30g trộn nước uống (Quảng Lợi Phương).

+ Trị tiểu không thông: bột Hoạt thạch 1 thăng, trộn nước cốt Xa tiền đắp quanh rốn, khi khô thì thay (Dương Thị Sản Nhũ Phương).

+ Trị lở do phong nhiệt độc, toàn thân chảy nước vàng: Quế phủ, Hoạt thạch, tán bột xức vào nhiều ngày là bớt (Phổ Tế Phương).

+ Trị cảm nắng mồ hôi ra như tắm: Hoạt thạch (nung lửa) 30g, Lưu hoàng 12g tán bột, hồ viên với miến bằng hạt đậu xanh, mỗi lần dùng với nước gừng nhạt, tùy lớn nhỏ mà uống (Bạch Long Hoàn –  Phổ Tế Phương).

+ Trị cảm nắng hoặc có nôn, mửa, sốt rét, tiểu đỏ, khát nước: Quế phủ, Hoạt thạch (nung) 120g, Hoắc hương 3g, Đinh hương 3g tán bột, với nước gạo lần 6g. Bài này cũng có thể trị hoặc loạn thổ tả (Ngọc Dịch Tán – Phổ Tế Phương).

+ Trị chứng đậu sang nóng quá phát cuồng mê man, sờ nắn lần giường, khát nước nhiều: Ích Nguyên Tán 30g, thêm Chu sa thủy phi qua 6g, Băng phiến 3 phân, Xạ hương 1 phân, uống lần 2,9g với nước sắc Đăng tâm (Vương Thị, Đậu Chẩn Phương).

+ Hoạt thạch và Cam thảo trộn lại gọi là “Ích Nguyên Tán” hay “Thiên Thủy Tán” “Lục Nhất Tán” “Thái Bạch Tán” giải được trúng thủ thương hàn dịch lệ, đồng thời còn di chứng nhiệt sau khi ra mồ hôi, các chứng lao phục kèm giải cảm thương hàn, các bệnh gây ra do đầy tức, bức rức khí đoản, bụng sình tức đau, đái rắt đau buốt, trị mình nóng, nôn mửa, ỉa chảy, kiết lỵ, trừ phiền nhiệt trong ngực tích tụ hàn nhiệt, giảm tiêu khát, nước tích trong bụng, thúc đẻ, lợi sữa, trị lở đầu vú, sưng vú, lợi răng lở. Thuốc này gọi là “Lục nhất tán” ý dùng 1 phần Cam thảo 6 phân Hoạt thạch, đại dưỡng khí của tỳ vị, cửu khiếu lục phủ, đuổi kết lưu thông kinh mạch, tiêu thủy cốc, an hồn định phách, rất thần nghiệm. Lưu Hà Gian trong “Thương hàn trực cách” ghi rằng: Bạch Hoạt thạch thủy phi 6 lượng, Phấn Cam thảo 30g tán bột, mỗi lần uống 9g sao với mật uống nóng, nếu thực nhiệt với nước sông sạch, giải lỵ thì uống với Thông xị thang, thông sữa thì dùng với nước sắc Thịt heo và Miến. Thúc đẻ thì dùng dầu mè với nước tương. Hễ sinh khó hoặc thai chết lưu ấy là do phong nhiệt táo sáp, kết trệ bó chặt lại không thư thái được. Sức thuốc này tới nơi thì cởi bỏ được kết trệ. Nếu dùng để trị lỵ, theo “Lôi Công Bào Chế” dùng Mẫu đơn bì cùng sao  qua, gia Đơn sa thủy phi tán bột, cứ một lượng thuốc thì gia 3g gọi lá “Thần Sa Lục Nhất Tán” trị tâm kinh phục thử, kiết lỵ ra máu, phiền táo khát nước, hôn mê (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Trị thấp nhiệt hạ chú, tiểu không thông, tiểu buốt: Hoạt thạch 6 chỉ, Đông quỳ tử 12g, Xa tiền tử 12g, Thông thảo 9g. Sắc uống (Hoạt thạch tán (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

+ Trị thử nhiệt, nóng nảy trong ngực, khát nước, tiểu đỏ, tiểu ítHoạt thạch 6 phần, Sinh cam thảo 1 phần. Tán bột, lần uống 15g, ngày 2 lần với nước sôi ( Lục Nhất Tán).

+ Trị tiêu chảy toàn nước, tiểu đỏ sẻn gây ra do thấp nhiệt, tiêu chảy phát sốt mùa hè: Hoạt thạch 6 chỉ, Cam thảo 9g, Sơn dược 30g. Sắc uống (Gia Vị Thiên Thủy Tán- Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

+ Trị thấp chẩn, thấp sang ngoài da: Hoạt thạch phấn 9g, Khô phàn 3g, Hoàng bá 3g. Tán bột dùng ngoài (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

+ Trị rôm sảy do nắng.Hoạt thạch phấn 30g, Bạc hà 3g, Bạch chỉ 3g. Tán bột, bọc vải xát ở ngoài (Lâm Sàng Thực Dụng Trung Dược Học).

Ngoài ra, có báo cáo, trị sỏi mật, người ta dùng Hoạt thạch phấn 18g, Hỏa tiêu phấn 9g, Uất kim phấn 6g, Bạch phàn phấn 3g 6 phân, Cam thảo phấn 3g. Tán bột, lần uống 3g 5 phân, ngày 2 lần, uống liên tục 2 tuần, hoặc tới khi hết là thôi.

Tham khảo: Hoạt thạch có vị ngọt nhạt, tính lạnh, tính trơn hoạt thì có thể hạ giáng có công năng lợi thủy thấp, thanh nhiệt, giải thử, là thuốc thường dùng trong viêm nóng mùa hè, cũng làm thuốc phụ tá để trụ các chứng tiểu ít, tiểu ra máu, ỉa chảy, kiết lỵ vàng da do thấp nhiệt. Dùng bên ngoài đắp lên có thể trị ngứa ngoài da.