Đông y trị gan nhiễm mỡ

bệnh gan nhiễm mỡ

Theo y học cổ truyền: gan nhiễm mỡ được mô tả với những chứng trạng sau: vùng hạ sườn phải đầy trướng, da vàng da sạm, hoa mắt chóng mặt, tiêu hóa chậm, phân thường bị bạc màu, rối loạn tiêu hóa, nước tiểu vàng sậm, lượng ít; có một triệu chứng rất kín đáo: gan to dần. Tùy mức độ và cơ địa người bệnh, gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan, làm rối loạn các chức năng sinh lý của gan.

Nguyên nhân phần nhiều do ăn uống không điều độ, tinh thần không thư thái, rượu chè quá mức, sinh ra can khí uất kết, thấp nhiệt ứ đọng, đàm ẩm, cả khí cả huyết đều trở trệ. Để chữa trị, Đông y có các bài thuốc cho từng thể lâm sàng.
Thể thấp nhiệt uất kết


– Triệu chứng: hạ sườn phải trướng đầy khó chịu, miệng khô họng đắng, da vàng hoặc sạm, mắt khô, nước tiểu vàng, lượng ít, ăn uống kém, tiêu hóa trì trệ, gan mất chức năng sơ tiết.
– Nguyên tắc điều trị: lợi thấp thanh nhiệt, nhuận gan giải uất.
Bài 1: Đan bì 10g, chi tử 12g, ngân hoa 12g, thổ linh 16g, rau má 20g, bạch thược 12g, sài hồ 12g, cúc hoa 10g, trạch tả 10g, cỏ mực 16g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Bài 2: Nhân trần 12g, hạ liên châu 12g, củ đợi 12g, xích thược 12g, bạch truật 12g, xa tiền 10g, hương phụ 12g, trần bì 12g, sinh địa 12g, nam hoàng bá 16g, bồ công anh 16g, chỉ xác 10g, cam thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

bệnh gan nhiễm mỡ
Cây nhân trần và vẩy con tê tê (xuyên sơn giáp) là hai vị thuốc tốt trị gan nhiễm mỡ.

Thể đàm thấp trở trệ
– Triệu chứng: vùng hạ sườn phải đầy chướng, da sạm da tối, cơ thể nặng nề chậm chạp, đau nhói vùng gan, người mệt mỏi, sờ gan ở bờ sườn phải có thể phát hiện gan to, làm cả vùng bụng căng đầy.
– Nguyên tắc điều trị: hóa đàm, hoạt huyết, thông kinh lạc
– Phương dược:
Bài 1: Bán hạ 10g, hậu phác 10g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, đương quy 12g, sơn trà 12g, nhân trần 12g, cây chó đẻ 12g, mẫu lệ (chế) 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Bài 2: Bạch linh 10g, ích mẫu 16g, kê huyết đằng 12g, xuyên khung 12g, thạch xương bồ 16g, đinh lăng 16g, chỉ xác 10g, bán hạ chế 10g, xa tiền 12g, đương quy 12g, trần bì 10g, sơn trà 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Xuyên khung, ích mẫu: hoạt huyết; Bạch linh, bán hạ: trừ đàm thấp; Xương bồ, đương quy: thông kinh hoạt lạc; Trần bì, xa tiền có tính thông hoạt trừ ứ… Nếu gan to có thể gia thêm xuyên sơn giáp 8g, mẫu lệ chế 10g.
Thể can tỳ lưỡng hư
– Triệu chứng: đau âm ỉ ở vùng hạ sườn phải, bụng đầy trướng, đại tiện phân không thành khuôn, người mệt mỏi, váng đầu, bụng lạnh, ăn uống rất kém, chân tay không có lực.
– Nguyên tắc điều trị: Ôn bổ tỳ dương, dưỡng can lý khí
Bài 1: Hoàng kì 10g, bạch truật 12g, hậu phác 12g, đương quy 12g, bán hạ 10g, sinh khương 6g, bạch thược 10g, sài hồ 12g, chích thảo 12g, đan bì 10g, trạch tả 10g, củ đợi 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Bạch truật, hậu phác, sinh khương: bổ tỳ dương; Củ đợi, bạch thược, sài hồ: dưỡng can hòa can, thăng đề dưỡng khí. Bài này bổ trung châu, bổ thổ, phù hợp với những triệu chứng: Bụng đau âm ỉ, phân lỏng, chân tay lạnh, dày da bụng, váng đầu hoa mắt, cơ thể suy nhược, da vàng sạm.
Bài 2: Nhân trần 12g, hạ liên châu 12g, bạch truật 12g, cao lương khương 12g, biển đậu 12g, sinh khương 6g, trần bì 12g, sơn trà 12g, ngũ gia bì 15g, chỉ xác 10g, đan sâm 15g, bạch linh 12g, chích thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Trong điều trị cần hết sức quan tâm đến vấn đề ẩm thực. Khuyên bệnh nhân mắc bệnh này dùng các loại rau quả có vị chua. Theo đông y vị chua cải thiện được chức năng gan mật, tăng tiết dịch mật, tốt cho tiêu hóa. Đó là những thứ rau quả thường dùng như: quả khế, quả me, quả chanh, chua me đất…

Lương y Trịnh Văn Sỹ
Theo : SK&ĐS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *