Đậu nành… rất lành
(LĐCT) – Không phải ngẫu nhiên mà dân tộc Việt Nam ta đã có truyền thống dùng đậu nành và các chế phẩm của nó làm lương thực, làm thức ăn và thức uống đã mấy nghìn năm nay.
Điều đầu tiên khiến đậu nành trở nên thân thiết trong đời sống ẩm thực của người Việt là bởi nó rất… lành. Khi các nhà chùa ở Việt Nam dùng đậu nành như một món ăn chay trường trong nhà chùa, chính vì cái sự…lành của nó. Chứ không phải nhà chùa ăn đậu phụ (đậu hủ) để… diệt dục. Nhưng, ăn đậu phụ hay uống sữa đậu nành có thể giảm thiểu sự thái quá (mà thái quá sinh bất cập), khiến ta mát lành hơn, nhẹ nhàng và thân thiện hơn trong ứng xử với người và với mình. Điều đó không chỉ các vị sư ở chùa tâm đắc, mà những người dân bình thường, có thời là cả vua chúa Việt Nam, cũng rất lưu tâm.
Hội thảo khoa học quốc tế “Dinh dưỡng đậu nành và sức khỏe nam giới” do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy phối hợp với Trung tâm dinh dưỡng TPHCM và Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Hoa Kỳ, đại học Missouri, quy tụ các diễn giả là các nhà khoa học hàng đầu về đậu nành của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam (diễn ra tại TPHCM ngày 20.5.2015) đã một lần nữa, bằng những nghiên cứu thật sự khoa học, bằng những so sánh, đối chiếu, khảo sát trực tiếp tại nhiều quốc gia có sử dụng đậu nành, đã chứng minh sự tôn vinh đậu nành như “thực phẩm vàng của thế kỷ 21” là xác đáng.
Các nhà khoa học đã đưa ra một cách đầy thuyết phục những hiệu quả tích cực của đậu nành lên sức khỏe con người, nhất là sức khỏe nam giới. Tại sao lại nam giới? Vì trong những năm gần đây, bên cạnh các công trình nghiêm túc và khoa học nghiên cứu về tác dụng bổ dưỡng của đậu nành, còn có những tin đồn, những câu chuyện truyền miệng, những “chém gió” về một số “tác dụng phụ” của đậu nành, đặc biệt là lên hoạt động sinh lý của nam giới.
Người ta đồn rằng, ăn hay uống các thức ăn thức uống từ đậu nành có thể làm… yếu sinh lý nam giới, hay thậm chí chuyển… giới nam. Những bài viết hay tin đồn kiểu này có đặc điểm là không xuất phát từ những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, không phát ra từ các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về đậu nành hay sức khỏe sinh sản nam, mà chỉ đơn thuần là “nghe người ta nói thế”. Nhiều người thật thà và chưa có điều kiện tiếp cận với những thông tin khoa học về đậu nành đã tỏ ra hoang mang, thậm chí đi tới chỗ không dám ăn thức ăn từ đậu nành, không dám uống sữa đậu nành.
Sự thật thế nào?
Các nhà khoa học quốc tế hàng đầu về đậu nành đã chứng minh một cách khoa học, đầy đủ chứng cứ và rất thuyết phục, rằng đậu nành không hề ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe những người dùng nó, đặc biệt là không hề làm “yếu sinh lý nam”. Ngược lại, dùng đậu nành thường xuyên trong cơ cấu bữa ăn đa dạng và hợp lý sẽ giúp làm khỏe con tim, minh mẫn khối óc, làm tăng cường phát triển cơ bắp, góp phần giảm 40% nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới, nhất là nam giới từ tuổi trung niên trở lên.
Theo thống kê của nhà khoa học Mỹ, hiện nay có tới 10% người Mỹ “ăn chay bán phần” – một con số rất lớn. Và trong thức ăn chay của họ luôn có một phần đóng góp rất quan trọng của đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành. Người Mỹ vốn chưa có truyền thống dùng đậu nành làm thực phẩm như người Việt, người Nhật hay người Trung Quốc. Nhưng giờ đây người Mỹ rất sợ bệnh béo phì. Và người Việt chúng ta cũng nên sợ căn bệnh nguy hiểm này đi là vừa.
Đậu nành là một “chiến binh” trong cuộc chiến chống bệnh béo phì đang có nguy cơ lan rộng. Đậu nành đã, đang và sẽ là “thực phẩm vàng của thế kỷ 21” trên phạm vi toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam sẽ là một trong những “vùng đậu nành” nổi tiếng thế giới. Hội thảo khoa học này, bằng những căn cứ và chứng lý khoa học, đã chứng minh điều đó.
Hy vọng rằng, với nỗ lực trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học cũng như công tác truyền thông về đậu nành của những chuyên gia am tường về dinh dưỡng sức khỏe, người Việt chúng ta sẽ ngày càng có cái nhìn toàn diện hơn, khoa học hơn về lợi ích của loại hạt bé nhỏ nhưng kỳ diệu này.
Thanh Thảo ( Báo Lao Động )