Đậu hủ kho măng và nấm (Hồng Hương)
HH có quen một người (chứ không phải “thương một người” như tựa một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), anh là đông y sĩ trị liệu theo kiểu thiên nhiên. Anh bảo đừng ăn hoài một chất, ít nhất 7 ngày là phải thay đổi các món ăn cho hệ thống trong cơ thể. Cho nên hôm nay mình thử thay đổi với món măng.
Măng rửa sạch, cắt khúc.
Nấm rửa sạch.
Đậu hủ thái vuông, chiên.
Phi chút gừng băm nhỏ. (Các bạn thích dùng hành, tỏi có thể thêm.)
Xào măng trước, sau đó cho nấm vào, cuối cùng là đậu hủ.
Pha 1/2 chén nước, 1 muỗng đường, 1 muỗng nước tương, 2 muỗng dầu hào. Cho vào nồi kho. Khi sôi nêm lại cho vừa khẩu vị. Thêm tiêu và ớt.
Cho vào tô hoặc đĩa, trang hoàng với nhánh ngò bên trên. Dùng với cơm nóng.
Ăn măng chúng ta nhớ đến gương sáng của tiền nhân, Ngài Mạnh Tông. HH thích đoạn này trong “Bông Hồng Cài Áo” của Thầy Nhất Hạnh:
…Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười “Biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.
(xem nguyên bài “Bông Hồng Cài Áo”)
Tối nay HH sẽ đi ngủ sớm để sáng mai thăm Mẹ. Chúc các bạn một ngày ăn chay hiếu thảo.