Ngoài những buổi chợ phiên nổi tiếng ở Hà Nội như chợ Mơ, chợ Bưởi… thì một vùng đất mới của Hà Nội – xứ Đoài – còn một chợ phiên độc đáo, đó là chợ Nủa lưu giữ những nét đặc sắc của chợ phiên đồng bằng Bắc bộ.
Không có bất kỳ tấm bảng biển nào gắn ở cổng chợ, chợ Nủa nằm trên một khu đất trống giữa bốn bề là cánh đồng lúa bát ngát thuộc xã Bình Phú, huyện Thạch Thất. Theo các cụ cao niên kể lại thì từ xưa, chợ vẫn chỉ họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Ngày thường đến chợ, bạn chỉ có thể bắt gặp những dãy lều lợp rơm, lợp lá đứng lặng lẽ giữa bãi đất trống mà thôi. Chợ ở đây không có cổng ngõ, chỉ có những con đường đất dẫn đến nơi họp chợ.
< Người đàn ông này vừa rút 70.000 đồng để mua hai trái bưởi vàng rực…
Chợ Nủa không lớn lắm nhưng ở đây tập trung một lượng người khá lớn đến từ các xã ở xung quanh như Hữu Bằng, Phú Ổ, Thạch Xá, Chàng Sơn, Canh Nậu, Cần Kiệm… Đặc biệt hai phiên chợ cuối cùng của năm (22 và 27 tháng Chạp) thường là nơi hội tụ phong phú nhất các sản vật quanh vùng, cũng là 2 phiên đông vui và được nhiều người chờ đợi nhất.
Dulichgo
Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia hai phiên chợ cuối năm này còn có “quy định”: “Gái hăm hai, trai hăm bảy” (tức: Con gái thì đi phiên 22, con trai đi phiên 27). Ngày nay, câu nói ấy vẫn nhiều người biết, nhưng bây giờ phiên chợ nào cũng tập nập đủ mọi tầng lớp.
< Hàng bán tranh, lịch và hoa lụa.
Khác với những cái “chợ cóc” có mặt ở khắp các thôn làng để đáp ứng tức thời nhu cầu trong sinh hoạt thường nhật, bà con nông dân sau những ngày lao động vất vả trên cánh đồng thường đến với phiên chợ Nủa như một sự trao đổi, buôn bán, tìm hiểu sự phát triển của các làng xã xung quanh thông qua các sản vật mới xuất hiện và giải trí lành mạnh. Đi chợ, chơi cho vui, gặp cái gì hay hay, đèm đẹp thì mua sắm. Có nhiều người đến để bán – mua, nhưng cũng có những người đi chơi chợ cho thỏa nỗi nhớ, còn đám trẻ con thì thích theo bà theo mẹ đi để được ăn quà. Cũng có người cả năm đi làm ăn xa, thu xếp về kịp phiên chợ tết như để thực hiện một chuyến “du lịch cho tâm hồn”…
Ngay trên con đường đất nối vào chợ là hai dãy bán những sản vật của vùng đồi núi trung du bán sơn địa như Tây Phương – Cần Kiệm. Mùa nào thức ấy. Bên cạnh những rổ chè tươi rói vừa hái còn ướt đẫm sương đêm là những rổ sấu xanh, khế chua, khế ngọt, trám đen, đu đủ, quất quýt…
Dulichgo
Lại có cả những chiếc măng mai mũm mĩm, cái nào cái nấy to như bắp vế, những rổ khoai lang mập mạp, những tải sắn, củ to đùng chỉ nhìn đã ứa nước miếng.
< Khu bán gia cầm.
Ở phía ngoài chợ, người ta không quy định từng dãy hàng hóa, ai chiếm được chỗ nào thì ngồi chỗ đó, lâu ngày thành “chỗ của mình”. Bởi vậy các loại hàng hóa được bày bán cạnh nhau thật phong phú đa dạng. Những thức quà quê được chế biến từ sản vật nông nghiệp như bánh tẻ nổi tiếng Cầu Liêu, bánh gai, bánh giò… là những thứ quà mà bà con nơi đây ưa chuộng. Bên cạnh những địa điểm bán đồ hàng nhựa phục vụ cho cuộc sống ngày nay còn có một gánh hàng độc đáo đó là hàng nhuộm.
< Bác thợ đánh chìa khóa thích… chơi chữ!
Những bộ quần áo bạc màu vì nắng gió cứ đến phiên chợ Nủa lại được bà con đem nhuộm lại cho mới. Với nồi nước nhuộm lúc nào cũng sôi sùng sục trên bếp, bác hàng nhanh tay thả những chiếc quần áo vào chỉ một lát sau, quần áo đã chuyển sang màu cần nhuộm, và lại tươi màu như mới.
Ở giữa chợ là những dãy hàng đủ các loại. Nào là hàng vải vóc, hàng quần áo với đầy đủ sắc màu rực rỡ vui mắt. Nào là dãy hàng khô, hàng trầu cau, hàng quà bánh, bún, phở, hàng xén, hàng mã… Với đặc điểm nổi bật của một vùng nông nghiệp trù phú nên chợ Nủa còn có hẳn một khu dành bán gà, vịt, ngan, ngỗng, lợn giống, chó, mèo… Đến đây bà con nông dân tha hồ chọn lựa rồi thỏa thuận bán mua để đem con giống về nhà.
< Trẻ con cũng theo bố mẹ đi chợ.
Dulichgo
Ngay cạnh khu bán gia súc là cả một rừng đủ loại những đồ hàng tre đan như rổ rá, đơm đó, giỏ, lờ, nơm, giành, sọt… Chỉ với một vài ba nghìn đồng, bà con nơi đây đã có thể có trên tay những chiếc rổ con xinh xắn. Còn trên một khoảnh đất rộng bên ngoài chợ là nơi tập kết của những xe tre dài ngoẵng. Người bán có thể là những người chuyên đi chặt tre, rồi bán buôn, cũng có thể họ là người trồng ra được. Còn người mua là người làm nghề tiểu thủ công nghiệp. Từ những cây tre này, dưới bàn tay khéo léo, họ cho ra đời những mặt hàng độc đáo, đôi khi còn có giá trị xuất khẩu.
Quả thực, đi chợ Nủa đối với bà con nơi đây, ngoài việc để mua sắm còn là cả một thú vui, vì còn gì bằng khi vừa ngắm chợ, vừa nhâm nhi một chút quà quê lại vừa được ngắm cảnh cánh đồng lúa xanh bát ngát. Bây giờ có đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, từ trung tâm thành phố về chợ Nủa càng thuận tiện là cơ hội để du khách ghé thăm một phiên chợ quê còn giữ được nhiều nét đặt sắc của chợ phiên vùng đồng bằng Bắc bộ.
Du lịch, GO!