Bản Nà Luồng- Nụ cười tỏa nắng

Nhờ cảnh đẹp hoang sơ cùng với các giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ lại, bản Nà Luồng, xã Nà Tăm (Tam Đường, Lai Châu) đã trở thành điểm du lịch thu hút khách đến thăm quan


BẢN DU LỊCH NÀ LUỒNG

 Nhờ cảnh đẹp hoang sơ cùng với các giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ lại, bản Nà Luồng, xã Nà Tăm (Tam Đường) đã trở thành điểm du lịch thu hút khách đến thăm quan.

Theo lời giải thích của người dân địa phương nơi đây, dịch theo nghĩa của tiếng dân tộc Lào thì từ “Luồng” có nghĩa là “con rồng”, “Nà” có nghĩa là “ruộng”. Tương truyền, nơi đây là mảnh đất trù phú, địa hình bằng phẳng có núi non xanh biếc lại có dòng Nậm Mu trong vắt, hiền hòa chảy quanh năm, thuận lợi cho việc cấy lúa, trồng ngô. Cảnh sắc thơ mộng con người lại chân thật, giàu lòng mến khách, nên rồng thường xuống tắm và nằm nghỉ trên bãi ruộng…

Khách tham quan Nà Luồng
Khách tham quan Nà Luồng

Hiện nay bản Nà Luồng có 94 hộ gia đình, hơn 400 nhân khẩu, 100% dân tộc Lào sinh sống. Nhờ chú trọng việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc nên các phong tục tập quán dường như còn nguyên vẹn không bị đổi thay theo thời gian. Vì vậy, đến với nơi này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi nhà sàn có kiểu kiến trúc 4 mái đặc trưng, hít thở bầu không khí trong lành, được tận hưởng cảm giác bình yên, êm ả nơi núi rừng Tây Bắc và đặc biệt là được giao lưu trò chuyện, hàn huyên tâm sự với những con người chân chất, tấm lòng đơn sơ nhưng nồng hậu. Từ trên cao nhìn xuống, Nà Luồng ẩn khuất trong vạt rừng xanh bát ngát, có mây núi mênh mang, có những thửa ruộng lúa chín vàng óng đẹp đến mê hồn. Khi buổi bình minh, tiếng chim hót vui réo rắt, rồi sau mỗi buổi chiều tà cảnh ấm cúng, sum họp lại rộn ràng trong các ngôi nhà gỗ thưng hữu tình nơi miền sơn cước này.

Đến nay, cuộc sống của người dân bản địa phần lớn còn mang tính tự cung, tự cấp. Các món ăn chủ yếu được chế biến từ những sản phẩm của nhà làm ra như: rau rừng, cá suối nướng, cơm lam… Tuy cách trung tâm huyện lỵ chừng 10km, nhưng rất lâu rồi bà con đã tự trồng rau ăn phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày và góp phần vào việc phát triển du lịch cộng đồng.

Người dân bản Nà Luồng chuẩn bị giường đón khách du lịch.
Người dân bản Nà Luồng chuẩn bị giường đón khách du lịch.

Bên cạnh đó, đàn ông dân tộc Lào giỏi nghề mộc, đóng đồ gỗ, đan lát và chài lưới. Còn phụ nữ dân tộc Lào giỏi trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm và canh cửi. Các chị, em luôn dành thời gian thêu thùa, may vá tự trang trí họa tiết hoa văn trên trang phục của mình. Từng họa tiết hoa văn, từng đường kim mũi chỉ đều là sự kiên trì, nhẫn nại, là tình yêu thiên nhiên, là khát khao cháy bỏng về cuộc sống ngày mai tươi đẹp.

Để giữ gìn các làn điệu dân ca, dân vũ, đặc biệt là điệu múa xòe và lăm vông; đã hơn 10 năm nay, người dân trong bản thành lập đội văn nghệ với sự đóng góp công sức của 20 thành viên, thường xuyên mang lời ca tiếng hát để động viên, cổ vũ tinh thần lao động, cầu cho mưa thuận gió hòa, xây dựng cuộc sống văn hóa ở bản làng.

Các điệu múa xòe, múa trống cùng với việc sử dụng các nhạc cụ truyền thống dân gian như: Trống, chiêng, khèn bè, sáo thường xuyên được tổ chức, đặc biệt là vào dịp Lễ hội Bun Vốc Nặm (còn gọi là Lễ hội Té nước). Để có hàm răng đen bóng, chắc khỏe, mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, buổi tối trước khi đi ngủ phụ nữ Lào lại dùng bột cây “mày tỉu” – một sản phẩm từ rừng được hơ nóng và chà lên răng. Bên cạnh đó, người phụ nữ dân tộc Lào còn duy trì tục lệ ăn trầu.

Điều hấp dẫn, thú vị nữa ở Nà Luồng là mùa xuân dường như nhộn nhịp một cách lạ thường. Trái tim các chàng trai cô gái thổn thức, rạo rực hơn khi chọn ngày kéo vợ, lựa giờ chọc sàn. Nên duyên chồng vợ là sự gắn bó, đồng điệu của trái tim nên các cô gái được kéo về, nếu đồng ý thì gia đình nhà trai sẽ sang thưa chuyện với bố mẹ cô gái, còn không thì đôi nam thanh nữ tú ấy trở lại mối quan hệ bạn bè như trước; vì vậy mà cuộc sống lứa đôi ở đây đều rất hạnh phúc.

Anh Charlie – một du khách người Anh đến cho chúng tôi biết: Tôi thích khám phá, tìm hiểu nơi này bởi sự đa dạng và nguyên vẹn về văn hóa của dân tộc Lào. Ngoài ra chúng tôi rất thích đồ trang sức, quần áo, mũ, khăn của người dân nơi đây…Tuy nhiên tôi cũng mong bản du lịch cộng đồng Nà Luồng được đầu tư, mở rộng hơn nữa để du khách có nhiều thời gian tìm hiểu …

Ông Lò Văn Điếng – Trưởng bản Nà Luồng cho chúng tôi biết: “Mỗi tháng có gần 200 lượt khách đến thăm quan tại bản. Để giữ được nét đẹp truyền thống và chiếm được tình cảm của các du khách thập phương mỗi khi đến với bản, thứ 7 hàng tuần cả bản cùng tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Bên cạnh đó, Huyện Tam Đường đã tổ chức cho các hộ gia đình trong bản được đi tham quan, rút kinh nghiệm ở các bản du lịch vùng Tây Bắc: Sa Pa (Lào Cai) Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình để học tập kinh nghiệm. Đến nay, bản đã có 5 hộ gia đình áp dụng mô hình kinh doanh du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Khách du lịch đến với bản, cuộc sống của chúng tôi đã được nâng lên đáng kể”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *