KHƯƠNG HOẠT 姜 活

KHƯƠNG HOẠT 姜 活

Cây sống lâu năm, cao khoảng 0,5-1m, toàn cây có mùi thơm, không phân nhánh, phái dưới thân hơi có mầu tím.

KHƯƠNG HOẠT  姜 活

Notopterygium incisium Ting.

KHƯƠNG HOẠT 姜 活
KHƯƠNG HOẠT 姜 活

Xuất xứ : Thần Nông Bản Thảo.

Tên khác :  Hồ Vương Sứ Giả, Khương Thanh (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển),  Tây Khương Hoạt, Xuyên Khương Hoạt (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tên khoa học : Notopterygium incisium Ting.

Họ khoa học : Họ Hoa Tán (Apiaceae).

Mô tả : Cây sống lâu năm, cao khoảng 0,5-1m, toàn cây có mùi thơm, không phân nhánh, phái dưới thân hơi có mầu tím. Lá mọc so le kép lông chim, phiến lá chia thùy, mép có răng cưa. Mặt trên mầu tím nhạt, mặt dưới mầu xanh nhạt, phía dưới cuống lá phát triển thành bẹ ôm lấy thân. Hoa rất nhỏ, mầu trắng, họp thành hình tán kép. Quả bế đôi, hình thoi dẹt, màu nâu đen, hai mép và lưng phát triển thành rìa. Thân rễ to, thô, có đốt.

Địa lý : Chủ yếu có ở Tứ Xuyên, Cam Túc, Thanh Hải (Trung Quốc). Có di thực vào Việt Nam nhưng chưa phát triển nhiều.

Thu hái, sơ chế :Về mùa Thu, đào, cắt bỏ rễ tơ, phơi hoặc sấy.

Bộ phận dùng : Thân rễ và rễ (Rhizoma Notoptergyii). Rễ có đầu mấu cứng như đầu con tằm, to, khô, thịt nâu đậm, xốp nhẹ.

Mô tả dược liệu:

+ Tằm Khương: Là thân rễ ở dưới đất của cây Khương hoạt, giống hình con Tằm, hình trụ tròn hoặc hơi cong, dài 3,3-10cm, đường kính 0,6-2cm. Phần đỉnh có gốc của thân cây, mặt ngoài mầu nâu, có nhiều đốt vòng chi chít lồi lên, trên đốt có nhiều vết nổi lên như cái bướu. Chất nhẹ, xốp, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy không phẳng, có văn hoa , rỗng, lớp ngoài da mầu đỏ nâu, ở giữa mầu trắng vàng nhạt, có điểm chấm đỏ. Có mùi thơm đặc biệt, vị hơi đắng, tê.

+ Điều Khương: là rễ Khương hoạt, hình trụ tròn hoặc phân nhánh, dài 3,3-16,6cm, đường kính 0,3-1,6cm. Mặt ngoài mầu nâu, có vân dẹt và vết cắt của rễ tơ nổi lên như cục bướu. Đoạn trên hơi to, có đốt tròn thưa lồi lên. Chất xốp, dòn, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy không thấy rõ điểm chấm đỏ. Mùi vị hơi nhẹ, thoang thoảng (Dược Tài Học).

Bào Chế :

Theo Trung Y: Cắt bỏ đầu, cạo vỏ, rửa sạch, sấy khô dùng (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).

. Thấm nước cho mềm đều, thái phiến mỏng, phơi khô (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Rửa sạch, để thật ráo, thái mỏng, phơi râm. Không có tẩm sao.

Bảo quản: tránh nóng, để nơi khô ráo, đậy kín.

Thành phần hóa học :

+ Angelical (Trung Dược Học).

+ Isoimperatorin 0,38%, Cnidilin 0,34%, Notoperol 1,2%, Bergapten 0,009%, Demethylfuropinnarin 0,012%, 5-Hydroxy-8 (3’, 3’-Dimethylallyl)-Psoralen, Bergaptol 0,088%, Nodakenetin 0,04%, Bergaptol-O-b-D-Glucopyranoside  0,075%, 6’-O-Trans-Feruloylnodakenin 0,022% (Zhe-ming G và cộng sự, Chem Pharm Bull, 1990, 38 (9) : 2498).

+ Columbiananine, Imperatorin, Marmesin (Tôn Hữu Phú, Trung Dược thông Báo, 1985, 10 (3) : 127).

+ Phenethylferulate (Su J D và cộng sự, C A 1994, 120 : 53150b).

Tác dụng dược lý :

+Tác Dụng Kháng Khuẩn : Dùng rượu chiết xuất Khương hoạt với nồng độ 1/50.000 có  tác dụng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn lao (Trung  Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).

Tính vị :

+Vị cay, đắng, tính ôn, mùi thơm hắc, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).

+Vị cay, đắng, the, tính ôn (Trung Dược Học).

+Vị cay, đắng, tính ôn (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh :

+Vào kinh Bàng quang, Thận (Trung Dược Học).

+Vào kinh Bàng quang, Can, Thận (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Tác dụng, chủ trị :

+Giải biểu, khứ hàn, dẫn khí đi vào kinh Thái dương và mạch Đốc, thông kinh hoạt lạc ở chi trên và lưng. Trị phong thấp đau nhức, đau các khớp nhất là khớp ở phần trên (Trung Dược Học).

+ Phát hãn, giải biểu, trừ phong, thắng thấp (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Liều Dùng :4-12g /ngày.

Kiêng Kỵ :

+Người đầu đau, cơ thể đau do huyết hư : không dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).

Đơn Thuốc Kinh Nghiệm :

+Trị sản hậu bị trúng phong, nói khó, chân tay co quắp : Khương hoạt 120g, tán bột. Mỗi lần dùng 20g, nước 1 chén, rượu 1 chén, sắc còn 1 chén, uống (Tiểu Phẩm Phương).

+Trị phong đau nhức các khớp : Khương hoạt, Độc hoạt, Tùng tiết, 3 vị lượng bằng nhau, cho vào rượu, nấu sơ qua rồi ngâm luôn trong đó. Mỗi ngày, lúc đói,  uống 1 chén hoặc nhiều ít tùy ý (Ngoại Đài Bí Yếu).

+Trị trúng phong cấm khẩu, cổ đau không ăn uống được : Khương hoạt 120g, Ngưu bồn tử 80g, sắc nước cho kỹ việc 1 chén, thêm 1 ít phèn chua rồi đổ vào họng (Thánh Tế Tổng Lục).

+Trị sản hậu bị đau bụng do phong : Khương hoạt 80g, thêm rượu và nước sắc uống (Tất Hiệu Phương).

+Trị sản hậu mà tử cung lòi ra : Khương hoạt 80g, thêm rượu và nước sắc uống (Tử Mẫu Bí Lục).

+Trị có thai bị phù thũng : Khương hoạt, La bặc tử, trộn chung, sao thơm rồi bỏ La bặc đi, chỉ lấy Khương hoạt. Tán bột. Mỗi lần uống 8g với rượu hâm nóng. Ngày thứ 1 uống 1 lần, ngày thứ 2 uống 2 lần, ngày thứ 3 uống 3 lần. Bài này của Trương Xương Minh, làm việc ở Gia Hưng truyền cho, có thể trị được chứng phong thủy phù thũng (Bản Sự Phương).

+Trị con ngươi mắt tự nhiên lòi ra sa xuống đến mũi giống như là cái sừng đen lấp ló, đau đớn không chịu nổi hoặc có từng lúc đại tiện ra máu mà đau, gọi là chứng Can trướng : dùng Khương hoạt sắc lấy nước uống liên tục được chừng vài 3 chén là khỏi, tuyệt diệu! (Hạ Tử Ích Kỳ Tật Phương).

+Trị thương hàn thái dương đầu đau : Khương hoạt, Phòng phong, Hồng đậu, 3 thứ lượng bằng nhau, tán nhuyễn, thổi vào mũi là khỏi (Ngọc Cơ Vi Nghĩa Phương).

+Trị có thai bị phù thũng : Khương hoạt + La bặc tử, 2 vị lượng bằng nhau, sao thơm, tán bột. Mỗi lần uống 6-8g. Ngày đầu uống 1 lần, ngày thứ 2 uống 2 lần, ngày thứ 3 uống 3 lần. Uống với rượu (Dược Liệu Việt Nam).

+Trị câm, nói ngọng, chân tay co quắp : Khương hoạt, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8-12g với rượu (Dược Liệu Việt Nam). 

Tham Khảo :

+ Khương hoạt là vị thuốc dẫn vào cả trong lẫn ngoài kinh mạch thủ túc Thái dương để trị chứng du phong chạy vào phần khí của túc Thiếu âm, Quyết âm. Không phải chủ về mềm yếu, nhút nhát mà thật là rất có tác dụng lớn để dẹp loạn cho quay về chính. Nhưng trị đau khớp chân tay do phong thì nên dùng, nếu như đau do huyết khí hư mà dùng lầm thì trái lại sẽ đau nặng hơn  (Dược Phẩm Vậng Yếu).

. Trị phong nên dùng Độc hoạt, kiêm thuỷ nên dùng Khương hoạt (Đường Bản Thảo).

. Khương hoạt trị chân tay, các khớp đau nhức, là thuốc trị phong của kinh thủ túc Thái dương vậy. Thêm Xuyên khung trị váng đầu ở kinh túc Thái dương, Thiếu âm, thấu suốt, thông lợi các khớp, lại trị phong thấp. Sách ‘Chủ Trị Bí Quyết’  viết: cách dùng có 5:

Một là dẫn thuốc cho kinh thủ túc Thái dương.

Hai là trị phong kèm thấp.

Ba là trị các khớp chân tay đau nhức.

Bốn là trừ bại huyết, mụn nhọt.

Năm là trị phong thấp, váng đầu (Y Học Khải Nguyên).

. Khương hoạt, Độc hoạt đều có thể trừ phong, thắng thấp, thấu suốt thông lợi các khớp nhưng mạnh yếu khác nhau (Bản Thảo Cương Mục).

. Khương hoạt là chủ soái để dẹp loạn phản chính… Phong có thể thắng thấp, vì vậy Khương hoạt có thể trị thuỷ thấp, hợp với Xuyên khung có thể trị váng đầu, kinh Thái dương, Quyết âm, làm ra mồ hôi phát tán ở phần biểu, thấu suốt thông lợi các khớp, là thuốc tiên để trị  cảm mạo trái mùa vậy. Ngưưoì xưa trị người bị lao lực bị càm hàn, trong thang Bổ Trung Ích Khí lại dùng Khương hoạt là có ý sâu xa trong bổ ngụ ý có tả trong đó (Bản Kinh Phùng Nguyên).

+ Khương hoạt cùng với Xuyên  khung trị được chứng thương hàn Thái dương kinh (đầu đau, cơ thể đau, lưng đau, sốt) rất hay (Trung Quốc Dược Học Đại Tự Điển).

+ Khương hoạt giỏi về trừ phong thấp, có thể đi thẳng lên đỉnh đầu, đi ngang ra cánh tay. Độc hoạt cũng thiên về trị phong thấp, có thể sơ thông ngang lưng, đầu gối, đi xuống đùi, chân (Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Khương hoạt trị phần trên, Độc hoạt trị phần dưới, vì vậy, người xưa trị phong phần  nhiều dùng Độc hoạt, trị thủy thũng thì dùng Khương hoạt ( Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

+ Độc hoạt sinh ở Tây khương nên gọi là Khương hoạt. Có tài liệu nói rễ cái là Độc hoạt, rễ con là Khương hoạt ( Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).