HỒ ĐÀO 胡 桃

Hồ Đào

Cây cao tới 20m sống đa niên. Lá kép lông chim, thường 7-9 lá chét. Mép nguyên không cuống, có hình trứng thuôn, khi vò có mùi thơm đặc biệt.

HỒ ĐÀO   胡 桃

uglas regia Linn.

Hồ Đào
Hồ Đào

Xuất xứ: Khai Bảo Bản Thảo.

Tên Việt Nam: Cây Óc chó, Hạnh đào.

Tên khác: Khương đào (Danh Vật Chí), Hạch đào (Bản Thảo Cương Mục), Bá la tử (Phạn Thư). Hồ bạch, Ngô đào, Đường thu tử, Trần bình trân quả (Hoà Hán Dược Khảo), Hồ đào nhục, Tân đào nhục, Hạch đào nhục (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Tên khoa họcJuglas regia Linn. Juglans regia Lin, var. Sinensis D.C.

Họ khoa học: Jublandaceae.

Mô tả: Cây cao tới 20m sống đa niên. Lá kép lông chim, thường 7-9 lá chét. Mép nguyên không cuống, có hình trứng thuôn, khi vò có mùi thơm đặc biệt. Hoa đơn tính cùng gốc kèm theo lá bắc và tiền lá nhưng sớm rụng. Hoa đực mọc tụ thành hình đuôi sóc rủ xuống, mỗi hoa ở một kẽ lá bắc kèm theo có hai lá bắc con, nhị 30-40 cái có chỉ nhị ngắn. Hoa cái mọc đơn độc, thưa, bao hoa gồm 4-6 vẩy. Quả hạch có vỏ mẫm, đường kính chừng 3-4cm. Nhân nguyên ở phía trên, chia thành 4 thùy ở phía dưới, nhiều rãnh nhăn nheo trông như óc, nên đặt tên là quả óc chó. Ra hoa vào mùa hè, quả vào tháng 9-10.

Địa lý: Có ở một số tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Mọc nhiều ở Cao Lạng, Hà tuyên, Hoàng Liên Sơn. Chưa thấy có ở miền Nam.

Thu hái, sơ chế: Thường thu hái ở những cây sống 15 năm trở lên. Thu hái vỏ quả vào tháng 9-10 sau khi chín đem về bóc vỏ quả (phần thịt gọi là Hồ đào nhục) phơi hay sấy khô. Thu hái nhân cũng vào tháng 9-10 lấy quả hạch đập lấy nhân phơi hay sấy khô (gọi là Hồ đào nhân). Thu hái lá trong suốt mùa hè nhưng tốt nhất vào tháng 6-7, hái những lá chét xanh tốt phơi thành lớp mỏng cho tới khi khô. Thường dùng lá tươi giã ép lấy nước, không dùng lá vàng rụng.

Phần dùng làm thuốc: Cây Hồ đào cho các loại thuốc sau:- Nhân (Semen Juglandis) gọi là Hồ đào nhân – Thịt quả (Pericarpium Juglandis) gọi là Hồ đào xác hay Thanh long y- Lá (Folium Juglandis) gọi là Hồ đào diệp – Màng ngăn cách trong nhân của hạt (Diaphragma Juglandis) gọi là Hồ đào thanh bì hay Phân tâm mộc.

Mô tả dược liệu: Hạt hình tròn, hơi nhọn ngắn ở phía trước mút, mặt ngoài màu vàng trắng, có rãnh quăn queo không qui tắc do hai múi khép chặt lại mà thành, chính giữa có khe và sống cạnh, vỏ hạt dày, cứng dày. Nhân biểu hiện hình cầu do hai múi hợp thành, mỗi một múi biểu hiện hình bán cầu dài chừng 24mm-28mm, mặt tiếp hợp thẳng ngang, mặt lưng gồ lên, nhăn nheo nhiều khe giống như não heo, vỏ trong màu nâu nhạt, mỏng, có gân màu nâu đậm, nhân màu vàng, chất dòn nhiều đầu có mùi thơm nhẹ.

Bào chế: Nếu lấy nhân, cạo bỏ lớp vỏ thịt ngoài lấy hạt quả phơi nắng, tránh lắc động, vì động thì Đào nhân sẽ sinh dầu, thay đổi tính vì có độc.

Cách dùng: Cạo bỏ vỏ thịt đập nhỏ vỏ hạt lấy nhân dùng sống hoặc sao dùng, hoặc để nguyên hạt xác đâm vụn cùng sắc với các thuốc khác để uống.

Tính vị: Vị ngọt, Tính ấm.

Quy kinh: Vào 2 kinh Phế, Thận.

Tác dụng: Liễm Phế, định suyễn, cố Thận, sáp tinh.

Chủ trị:

+ Trị đau  thắt lưng do Thận hư, di tinh, liệt dương, ho lâu ngày và suyễn do Phế hư.

Liều dùng: 9g – 60g. Sắc hoặc nhai uống.

Kiêng kỵ: Phế cò đàm nhiệt, nôn ra máu do âm hư thì cầm dùng. Không nên dùng Hồ đào với Rượu.

Bảo quản: Để nơi khô ráo.

Ghi chú:

1- Màng ngăn cách trong nhân (Phân tâm mộc) trị di tinh mỗi lần dùng 9g sắc uống.

2- Vỏ quả (phần thịt, Thanh long y hay Thanh long bì) trị tràm như da trâu, các loại ngứa lở ngoan cố, lấy quả tươi, cao bỏ lớp vỏ mỏng ngoài đắp vào nơi lở ngứa, mỗi ngày 3 lần, lâi tục 10-20 ngày, cũng có thể dùng khô sắc rửa ngoài.

Đơn thuốc kinh nghiệm:

+ Chỉ có vị Hồ đào, chớ bỏ vỏ vàng, ăn lúc đói, có tác dụng  cố tinh rất hay.

+ Hồ đào, Bổ cốt chỉ, Tật lê, Liên tu, Lộc nhung, Mạch môn đông, Ba kích thiên, Phúc bồn tử, Sơn thù du, Ngũ vị tử, Ngư giao, có tác dụng  bổ ích mệnh môn, có con, rất hay.

+ Hồ đào cho vào trong ‘Thanh Nga Hoàn’ có thể làm đen râu tóc, bổ thận phải.

+ ‘Hồ Đào Hoàn’ có tác dụng  ích huyết bổ tinh, mạnh cứng gân cốt, sống lâu, sáng mắt, minh mẫn, nhuận cơ phu, trừ bách bệnh, dùng Hồ đào nhục 120g, giã nát, thêm Bổ cốt chỉ, Đỗ trọng, Tỳ giải, mỗi thứ 120g, tán nhuyễn, làm thành viên to bằng hạt ngô đồng, uống lúc đói với ít rượu nóng và nước muối, mỗi lần 50 viên (Ngự Dược Viện).

+ Trị khí suyễn sau khi sinh:  Hồ đào nhục, Nhân sâm, mỗi thứ 6g, 1 chén nước sắc còn 7 phân uống (Phổ Tế Phương).

+ Nuốt nhằm đồng tiền, ăn nhiều Hồ đào thì tự ra vậy (Lý Lâu phương).

+ Chặt răng đen tóc, dùng Hồ đào nhân đốt cháy qua, Bối mẫu, hai vị bằng nhau, tán bột uống hàng ngày (Thánh Huệ Phương).

+ Băng huyết không cầm, dùng Hồ đào nhục 50 trái, đốt tồn tính tán bột uống lúc đói với rượu nóng, rất hiệu quả (Thánh Tế Tổng Lục).

+ Đi cầu ra máu giai đoạn đầu, dùng Hồ đào 7 quả, đốt, tán bột uống với rượu, không quá 3 ngày có hiệu quả (Nho Môn Sự Thân).

+ Chán thương do té ngã, bị đập đánh, dùng Hồ đào nhân, trộn rượu nóng uống (Đồ Kinh Bản Thảo).

+ Tư thận ích tinh, dùng ‘Hồ Đào Hoàn’ trị ‘tiêu thận bệnh’  (Đái tháo nhạt), vì dâm dục quá độ, uống nhiều Đơn thạch, thất chí thương thận, gân nên thủy yếu, hỏa mạnh, miệng lưỡi khô, tinh tự ra, hoặc tiểu tiện đỏ vàng, đại tiện khô bón, hoặc tiểu nhiều nhưng khôâng khát nước lắm: dùng Hồ đào nhục, Bạch phục linh, mỗi thứ 120g, Phụ tử 1 củ bỏ vỏ, xắt lát, sao với nước gừng. Cáp phấn tán bột trộn với mật làm viên to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống 30 viên với nước cơm (Phổ Tế Phương).

+ Trị tiểu tiện nhiều: dùng Hồ đào nướng chín nhai uống với rượu nóng (Phổ Tế Phương).

+ Ho suyễn của người già, thở gấp nằm ngửa không được: dùng Hồ đào nhục bỏ vỏ, Hạnh nhân bỏ vỏ, đầu nhọn, làm viên to bằng hạt đạn lớn, khi nằm nhai 1 viên với nước gừng (Phổ Tế Phương).

+ Viêm tai giữa: dùng Hồ đào nhân đốt tồn tính, nghiền, trộn mật chó làm thành đỉnh bỏ vào tai, nhét bông vào (Phổ Tế Phương).

+ Tổn thương ở tai chảy nước ra: dùng Hồ đào nhân ép lấy dầu, nhỏ vào tai (Phổ Tế Phương).

+ Bỏng nóng: dùng Hồ đào nhân đốt cháy tồn tính, tán bột, bôi (Phổ Tế Phương).

+ Đái rắt đau buốt, sỏi đường tiểu: dùng Hồ đào nhục 1 thăng, nấu cháo gạo tấm với tương 1 thăng, trộn uống (Hải Thượng Phương).

+ Phong hàn không có mồ hôi, đau đầu phát sốt: dùng Hạch đào nhục, Thông bạch, Tế trà, Sinh khương đều bằng nhau, giã nát, sắc với 1 chén nước còn 7 phân uống nóng, đắp áo lại cho ra mồ hôi (Đàm Dã Ông Phương).

+ Ho không dứt: dùng Đào nhân 350 hạt, nấu chín bỏ vỏ, Nhân sâm 150g, Hạnh nhân 350 hạt ,sao với cám, ngâm nước bỏ vỏ, tán đều, luyện mật làm viên to bằng hạt ngô đồng, nhai mỗi lần 1 viên lúc đói với nước sắc Nhân sâm, khi ngủ uống tiếp (Tiêu Đại Doãn Phương).

+ Ăn vật gì cũng xóc lên đau tim: dùng Hồ đào nhai nát uống với nước Sinh khương (Truyền Tín Thích Dụng Phương).

+ Ăn thức ăn chua làm cho răng bị ê ẩm: nhai nhỏ Hồ đào thì hết (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

+ Mắt lèm nhèm: trong khoảng tháng 4 lấy những trái Hồ đào nhỏ do gió rụng, ăn vào lúc giữa trưa, dùng nước giếng nuốt, nằm nghỉ, có cảm giác hôi tanh như bùn trong mũi là được (Vệ Sinh Giản Dị Phương).

+ Xích lỵ không cầm: dùng Hồ đào nhân, Chỉ xác mỗi thứ  7 trái, Tạo giác không mọt một chùm, đốt cháy trên tấm ngói mới nghiền tán bột chia ra tám lần uống khi nằm thì uống 1 lần, canh hai 1 lần, canh năm 1 lần, với nước Kinh giới (Thánh Tế Tổng Lục).

+ Tâm khí thống: dùng Đào nhân 1 trái, Táo to 1 quả bỏ hạch rồi để Đào ở trong Táo, lấy giấy bọc nướng chín, lấy 1 chén nước Gừng sống, nhai nhỏ rồi uống (Triệu Thị Kinh Nghiệm Phương).

+ Tiểu trường khí thống: dùng Hồ đào 1 trái đốt cháy tán bột uống với rượu nóng (Kỳ Hiệu Lương Phương).

+ Trị các loại sưng tấy, bối ung, phụ cốt thư, chưa thành mủ: dùng Hồ đào 10 quả nướng chín, bỏ xác, Hòe hoa 30g tán bột, giã nát, uống với rượu nóng (Cổ Kim Lục Nghiệm).

+ Đinh sang sưng dữ: Hồ đào 1 trái,đập vỡ lấy nhân, nhai nhỏ, lấy xác đắp trên chỗ lở, thay đổi luôn (Phổ Tế Phương).

+ Đậu sang không nổi lên được vì khí huyết hư: dùng Hồ đào nhục 1 quả đốt tồn tính, Yên chi khô nửa lượng, tán bột, sắc nước Hồ tuy uống với rượu (Nho Môn Sự Thân).

+ Trẻ con lở đầu lâu ngày không khỏi: dùng Hồ đào luôn cả vỏ đốt trên ngọn đèn xong lấy chén úp lại cho ra hỏa độc, bỏ vào một chút Khinh phấn, tẩm dầu mè bôi 2,3 lần là khỏi (Bảo Ấu Đại Toàn).

+ Lở loét, ngứa: Hồ đào 1 quả, Hùng hoàng 3g, Ngải diệp giã thật nhỏ 3g, tán nhuyễn, lấy bông bọc lại, đêm ngủ bọc vào bìu dái, đừng rửa (Tập Giản Phương).

+ Trị đau thắt lưng do thận hư, có thai đau vai lưng: ‘: Hồ đào, Phá cố chỉ, Đỗ trọng. Tất cả tán bột lấy tỏi giã nát trộn thuốc làm viên uống (Thanh Nga Hoàn  – Cục Phương).

+ Trị thở suyễn, tức ngực không nằm được: Nhân sâm, Hồ đào sắc uống ( Nhân Sâm Hồ Đào Thang).

Tham khảo:

. Phá cố chỉ thuộc hỏa, có thể làm cho hỏa của tâm bào tương thông với hỏa của mạng môn. Hồ đào thuộc mộc, chủ về nhuận huyết dưỡng huyết, huyết thuộc âm, âm ghét táo, dùng Hồ đào là để nhuận táo đó, dùng Phá cố chỉ làm tá có diệu dụng của mộc hỏa tương thông. Vì vậy cổ nhân có nói rằng, Hoàng bá mà không có tri mẫu, Phá cố chỉ mà không có Hồ đào cũng như có Thủy mẫu mà không có tôm vậy (Hàn Mậu).

. Hồ đào nhân có vị ngọt, khí nóng, vỏ chát, thịt nhuận. Tôn chân nhân cho rằng nó lạnh mà hoạt, là lầm lẫn, sách thuốc đời nay dùng để trị ho suyễn do đàm khí, các loại bệnh cùi và đau tim, các người nghiện rượu thường say sau khi ăn nó, ăn nhiều nôn mửa ra, lông mày rụng, cùng dùng nó với rượu thì ho ra máu cũng chưa được gọi là đúng vậy. Tuy vậy vị Hồ đào tính nóng,  có thể nhập Thận Phế, hư hàn thì nên dùng tới nó, hễ có tích nhiệt thì không nên ăn nhiều (Bản Thảo Cương Mục).

. Quả Hồ đào bên ngoài có vỏ xanh, thịt quả bóc lại, hình dáng giống như trái đào, sở dĩ  có tên Hồ đào vì cây vốn gốc ở rợ Khương hồ (tên cổ của một nước vùng tây nam châu Á), do Chương Khiên thời nhà Hán đi sứ sang Tây vực đem về trồng cho nên gọi là Hồ đào, người Khương gọi Hô cũng như Hồ hoặc trong sách Phan gọi nó là Bá la sư (Bản Thảo Cương Mục).

. Cách dùng Hồ đào, hễ dùng Hồ đào thì không được ăn một lần nhiều, chỉ ăn từ từ, ngày đầu ăn một quả, cứ 5 ngày sau tăng lên 1 quả nữa, cho tới 20 quả là thôi, rồi bắt đầu ăn lại như trước, dùng thường như thế có thể làm cho ăn ngon, xương thịt mập láng, râu tóc đen bóng, thông huyết mạch, trị các loại trĩ lâu ngày.

. Hồ đào nhục thường dùng trong Can Thận khuy tổn, đau thắt lưng, chân yếu dùng làm thuốc bổ. Đồng thời cũng dùng trong ho lâu ngày do Phế hư kết hợp vơí thuốc bổ Phế giảm ho (Trung Dược Học Giảng Nghĩa).