Tân Phong là một xã cù lao nằm giữa sông Tiền thuộc địa phận huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Được phù sa bồi đắp, nước ngọt quanh năm, Tân Phong có vị trí thuận lợi trong việc phát triển kinh tế vườn cũng như nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.Với diện tích trên một ngàn hecta, bãi bồi, kinh mương bao quanh, với khí hậu trong lành, mát mẻ, từ lâu Tân Phong đã trở thành “điểm đến” của các tour du lịch sinh thái.
Hàng năm, cứ vào mỗi dịp lễ, tết, hàng ngàn lượt du khách từ các nơi thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long lại đến Tân Phong tận hưởng thú vui “tắm cồn”. Đó là thú tắm đặc biệt ít tốn kém, lại rất thú vị, chỉ có ở điểm du lịch miệt vườn cù lao Tân Phong.
Chúng tôi đã có dịp thưởng thức thú vui “tắm cồn”. Còn nhớ hôm ấy đúng 8h sáng (nhằm mùng 5 tháng 5 Tết Đoan Ngọ) chúng tôi đã có mặt theo những tốp thanh niên nam nữ qua phà Cái Bè – Tân Phong. Trong cái nắng, cái gió miền sông nước gương mặt ai cũng tươi tắn ngắm nhìn từng làn sóng vàng lấp lóa dưới ánh nắng mặt trời.
Chừng 10 phút, phà cập bến. Không gian dường như mát dịu và thu hẹp lại bởi những vườn cây trái sum xuê. Thả gót theo con đường đá đỏ rộng chừng 1m ( con đường duy nhất dẫn vào trung tâm xã) du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những chùm chôm chôm chín đỏ trên cành, những quả mít đeo đầy thân cây, mùi nhãn chín thoảng bay trong gió…. không có mùi khói bụi của đô thành, thấp thoáng đó đây những mái nhà xinh xinh ẩn hiện trong vườn cây rậm rạp, một con rạch nhỏ hiền hòa vắt qua giữa lòng cù lao…
Thiên nhiên và con người như hòa quyện vào làm một, sự mệt nhọc của chặng đường dài bất giác như được rũ bỏ lại sau lưng. Bấy giờ đang mùa chôm chôm chín, đi đâu cũng thấy những cần xé chôm chôm tươi rói bày bán ven đường. Chôm chôm là loại trái cây ngon chiếm diện tích đất trồng ở Tân Phong. Đây là loại cây phù hợp đất cồn, dễ trồng, phát triển nhanh, sống lâu cho nhiều trái. Chỉ cần bỏ ra 5.000đ đã mua được 1kg chôm chôm đỏ tươi. Vừa bóc vỏ ăn, vừa ngắm những chùm chôm chôm đơm đầy trên những hàng cây đều tăm tắp tưởng như những lồng đèn đỏ treo cao lơ lửng, trông thật đẹp mắt .
Bà con miệt vườn là những người vui vẻ và hiếu khách. Họ sẵn sàng mời vào tham quan khu vườn mà không phải trả một khoản tiền nào. Tuy nhiên, bác chủ vườn vui tính sẽ nhắc cho chúng ta biết mỗi cây chỉ cần ăn 1 trái thì giỏi lắm cũng mới đi hết nửa vườn. Còn nếu thích, bẻ một lần nguyên nhánh thì chỉ dạo qua chừng 50 gốc là bụng đã thấy anh ách và không đi tiếp được nữa.
11h trưa trên líp vườn chôm chôm, không khí trong lành mát rượi do những tán xanh trùm xuống làm cho ai nấy đều dễ chịu. Khi trải những tấm ni lông trên lớp lá dày mát lạnh còn ẩm hơi bùn cũng là lúc du khách chuẩn bị thưởng thức món ốc gạo Cồn Tre đặc sản ẩm thực củaTân Phong.
Để ca ngợi món ăn đặc sắc này phương ngôn xưa có câu: “Ốc Cồn Tre hai người đè, một người lể”. Đây là thời gian ốc gạo ngon nhất. Ốc mập, thịt dai, luộc chín… lể ra bên trong ruột trắng phếu, lấy thịt ốc cuốn bánh tráng nhúng nước kèm dừa khô nạo, rau sống, chấm nước mắm tỏi ớt thì trở thành món ăn “độc nhất vô nhị”!. Với giá chỉ trên 10.000đ/kg ốc gạo, du khách có thể mua bao nhiêu tùy thích ở chợ Tân Phong hay của bà con cư dân trong vùng.
13h chiều, khi nước ròng cạn xuống giữa sông, nhiều bãi cát nổi lên xung quanh cồn là lúc du khách bắt đầu thưởng thức cái thú “tắm cồn”.
“Tắm cồn” là cách gọi tự nhiên của bà con miệt vườn để chỉ thú vui tắm trên sông nước cù lao. Điểm đặc biệt ở đây là du khách vừa tắm vừa…bắt ốc gạo. Bác Tám Bình, cư dân lâu năm ở đây, chỉ cho chúng tôi cách bắt ốc gạo như sau: “lặn xuống nước lấy tay gom ốc lại mà bắt. Nếu lặn không được thì lấy chân cào rồi dùng hai ngón chân kẹp ốc lên”. Bác còn cho biết thêm “Ai đi tắm cồn mà không bắt ốc gạo thì chưa thưởng thức hết cái thú tắm cồn!” Thực vậy, vừa tắm vừa bắt ốc thật là vui, chúng tôi cứ thi nhau mà cào, mà bắt, nhưng nhiều lắm chỉ bắt được có vài chục con. Do vị trí địa lý thuận lợi , bãi bồi cát đỗ chung quanh cồn , nước ở cù lao là nước từ sông Cửu Long đổ vào ngã màu vàng phù sa, ngọt mát dễ chịu, cộng thêm cái nắng hanh, gió mạnh mùa hè làm cho du khách cảm thấy thoải mái, an toàn thỏa thuê bơi lội, đùa giỡn với những làn sóng lăn tăn (to lắm cũng chừng 3 tấc) suốt mấy giờ đồng hồ không biết chán!.
5h chiều khi con nước lên, cũng là lúc việc “tắm cồn” kết thúc. Chuyến phà Tân Phong – Cái Bè lại đưa từng đợt du khách ra về. Mỗi người đều không quên mang theo vài con ốc gạo và vài chùm chôm chôm tươi rói gọi là “kỷ niệm tắm cồn” …