Một lần tình cờ đọc trên mạng bài viết nói Kuta không phải là “nàng thơ” của Bali (Indonesia), Kuta thì chắc chắn không phải rồi, nhưng tôi tự hỏi mình vậy ai/cái gì ở Bali mới là cô gái mơ mộng ấy?
Nói đến đảo thiên đường Bali, ngoài đền đài, văn hóa, không thể không nhắc đến bãi biển. Các bãi biển nổi tiếng đều tập trung ở mũi phía Nam, gần thủ phủ Denpasar.
“Nàng thơ” mơ mộng
Nằm cách thủ phủ Bali khoảng 40km và chỉ cách Kuta chừng 20 phút chạy xe, Nusa Dua ví như một cô gái có nhan sắc và hơi kiêu kỳ. Kỳ thực bất kỳ ai cũng tìm được cho riêng mình một con đường mơ mộng để dạo chơi, tắm nắng hay ngồi lơ đãng dưới tán cây trên bờ cát, thả hồn nghe tiếng sóng vỗ vào bờ ì oạp.
Các bãi biển ở Nusa Dua thường vắng vẻ, yên tĩnh và mộc mạc. Nước trong, sóng nhỏ, bơi lội an toàn và phù hợp cho chơi chèo ván thay vì lướt sóng – môn thể thao điển hình được nhiều du khách ưa thích khi đến du lịch Bali.
Trên bản đồ, bờ biển Nusa Dua nằm ở sườn Đông đảo Bali, trải dọc về phía Nam rồi nhô ra biển như thể có hai chiếc càng cua ôm nước vào lòng. Trên hai mỏm càng cua nhô ra đó, cây cối xanh um tùm, mát mắt và hiền hòa.
Trên lối mòn cong cong uốn mình theo bờ biển, người ta chạy bộ, đạp xe, đi ván trượt, chậm chạp tận hưởng cuộc sống qua từng phút giây.
Nusa Dua: nàng thơ xinh đẹp – Ảnh: Thủy Trần
Bán đảo xanh – Ảnh: Thủy Trần
Lối mòn ven biển là nơi thư giãn của nhiều người – Ảnh: Thủy Trần
Chúng tôi quyết định ghé vào một quán cà phê lớn trên bờ cát. Quán cà phê “thuyền hải tặc” dường như bị mắc cạn được điểm trang xinh xắn, những ngôi nhà bằng tre nứa treo lủng lẳng trên cây như tổ chim, những chiếc lều rơm được bài trí như hội trại, tạo không gian riêng tư và lãng mạn cho khách hàng.
Sau khi ngụp lặn thỏa thuê dưới làn nước xanh trong, mọi người lên bờ uống ly nước dừa, ăn ly kem mát lạnh và thưởng thức vài món ăn địa phương điển hình.
Các bãi biển biển luôn mở rộng cửa
Nếu như Kuta, Leigian ở mạn Tây Nam là bãi biển của quán bar, nhà hàng, cửa hiệu, của ồn ào và náo động thì Sanur với Nusa Dua ở mạn Đông Nam lại hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp dịu dàng và mơ mộng.
Nhiều người đánh giá Nusa Dua là bãi biển đẹp hàng đầu ở Bali có lẽ không sai nếu so sánh với các bãi biển khác đã được khai thác du lịch trên đảo này và xét ở tầm quy mô tương đương.
Đó là một bãi biển xinh đẹp với những bờ cát trắng chạy dài, thoai thoải dưới nền trời xanh và một loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp và sang trọng được kiến tạo thân thiện và gần gũi với môi trường. Lần đầu tiên đến đây, chúng tôi đã bị “ngợp” bởi sự tinh tế và cuốn hút của các khu resort ven biển.
Thỉnh thoảng lại có một lễ rước đi qua – Ảnh: Đức Hùng
Ở quán cà phê “thuyền hải tặc” – Ảnh: Thủy Trần
Thay vì tham gia các trò chơi như chạy xe máy nước, chơi dù lượn, cưỡi thuyền buồm hay thậm chí học ngay một khóa lướt ván cơ bản, chúng tôi lại chọn một chiếc lều trên cát để nằm đọc sách và nghe nhạc, vu vơ ngắm một Nusa Dua lộng lẫy trong màu xanh dương rạng ngời.
Nusa Dua được quy hoạch toàn diện với một nền tảng cơ sở hạ tầng rất tốt: bờ cát, thảm cỏ, hàng cây, hoa lá, con đường đô thị và lối mòn ven biển cùng vô số khách sạn và nhà hàng, khu dịch vụ được bố trí hợp lý, tạo không gian yên lành và thân thiện cho bãi biển.
Nhưng dù được đầu tư và chăm sóc kỹ lưỡng, các bãi biển không hề bị “đóng cửa” và có sự phân biệt đối tượng sử dụng, bất kỳ người nào cũng có quyền đến đây bơi lội, dạo chơi hay vui đùa. Chính vì thế không chỉ du khách mà dân địa phương đều hưởng lợi.
Nơi sóng biển gặp đá
Rất khó để có thể dịch “water blow” – một từ khá phổ biến chỉ một địa điểm nổi tiếng trên bán đảo Nusa Dua ra tiếng Việt. Trên mỏm càng cua lớn hơn, nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện quốc tế hay triển lãm tầm cỡ thế giới, trên bờ Ấn Độ Dương, sự kỳ diệu của mẹ thiên nhiên đã tặng cho Nusa Dua một danh thắng.
Ghềnh đá nhô ra trên biển có một lỗ hổng lớn, khi nước biển tràn vào đập vào vách đá và phun trào ngược lên cao, tạo nên một hiện tượng tự nhiên độc đáo. Chỉ cần hỏi “water blow”, bất kỳ người địa phương nào ở đây cũng có thể chỉ đường cho bạn một cách dễ dàng.
Chúng tôi ngồi trên ghềnh đá nhìn ra Ấn Độ Dương xanh thẳm. Sóng trắng xóa đánh vào bờ, bắt đầu mạnh dần lên. Nước phun trào ngày càng cao và lớn, bao phủ toàn bộ đoạn ghềnh, phủ kín cả cây cầu tham quan mà chính quyền đã cho xây để phục vụ du khách.
Nhiều người thích thú đứng đợi sóng, ai đó chỉ muốn chụp hình thì bao phen hốt hoảng, thậm chí chạy không kịp khi sóng trào lên, đành chấp nhận ướt sũng với nụ cười sảng khoái.
Quá trình gặp gỡ của sóng biển và đá tạo thành “water blow” – Ảnh: Đức Hùng
Du khách thích thú đón chờ sóng từ “water blow” – Ảnh: Đức Hùng
Tôi đứng mãi phía bên kia của ghềnh đá, dõi nhìn theo những con sóng tấp vào bờ ào ạt. Chúng đang chơi trò đuổi bắt, cùng đâm sầm vào vách đá, chồng lên nhau như những tầng tháp, rồi xô đẩy nhau vươn lên cao đạt đỉnh trước khi hạ xuống, reo vui rút ra biển.
Quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại nhưng không theo quy luật cao thấp nào và không ai trong chúng tôi có thể ước tính được độ cao và độ lớn của sóng.
Đôi khi tôi thấy mình hơi chóng mặt nhưng quá là ấn tượng và diệu kỳ. Thì ra nàng thơ xinh đẹp và dịu dàng Nusa Dua cũng có lúc tinh nghịch và đáo để, biết tặng cho du khách thứ cảm xúc nhớ đời nơi sóng biển gặp đá – “water blow”.