Thăm Đảo nhỏ nhất ở Vũng Tàu

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh BR-VT phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử – văn hóa miếu Hòn Bà” nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa miếu Hòn Bà phục vụ phát triển du lịch tâm linh tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.


< Hòn Bà lúc triều cao.


Bà  Rịa – Vũng Tàu là địa phương đứng thứ hai khu vực miền Đông Nam Bộ về số lượng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Trong số đó, có nhiều đình, đền thờ, chùa, miếu… là điểm đến hấp dẫn khách hành hương.


Du lịch tâm linh là loại hình du lịch đặc biệt của Bà Rịa -Vũng Tàu, luôn có sức hấp dẫn riêng với du khách gần xa, thu hút du khách vào mọi thời điểm trong năm, nhưng nhiều nhất vẫn là vào dịp cuối năm và đầu năm mới.


< … và khi triều thấp.


Theo đường Hạ Long vòng quanh núi nhỏ từ bãi Trước, qua Bãi Dứa đến mũi Nghinh Phong nhìn ra biển, một hòn đảo nhỏ cách chân núi Nhỏ khoảng 200 mét, đó là Hòn Bà. Hòn đảo nhỏ ấy  đã nằm vững chãi giữa muôn trùng khơi, đồng hành cùng những con sóng vỗ rì rào, tung bọt trắng xóa. Tương truyền vào những năm 1881, Hòn Bà được một người gốc miền Trung bỏ kinh phí xây dựng một ngôi Miếu nhỏ trên đảo gọi là Miếu Bà, Thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta Pháp đặt tên cho hòn đảo này là Archi-nard.


Tuy nhiên hòn đảo nhỏ vẫn mang cho mình một cái tên giản dị từ xưa kia và nổi tiếng đến tận bây giờ “Hòn Bà”. Về sau, một người ở Trà Vinh tên là Thanh Phong đến Bà Rịa – Vũng Tàu lập nghiệp đã đứng ra quyên góp tiền của để sửa chữa miếu này vào năm 1971.


Hiện nay, ngôi miếu có chiều cao nổi trên mặt nước là 4mét. Bên trong là điện thờ các vị thần linh; bên dưới có một tầng hầm dài 6mét, rộng 3mét. Đây từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào chiến sĩ yêu nước thời kỳ kháng chiến.


Khác với những cảnh quan thiên nhiên khác được con người trùng tu, xây dựng đổi mới hiện đại, Hòn Bà vẫn giữ cho mình nét đẹp hoang sơ, thiên nhiên thơ mộng hữu tình. Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ và lãng mạn của hòn đảo nhỏ, thì Hòn Bà còn là nơi rất linh thiêng thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách tới đây hành hương. Vào những ngày rằm hàng tháng (đặc biệt là rằm tháng riêng, rằm tháng bảy) hàng ngàn người dân địa phương và du khách thập phương đã hành hương viếng miếu Hòn Bà.


Lúc thuỷ triếu xuống thấp có thể men theo một  lối đá gập ghềnh để đi bộ ra đảo hoặc là đi thuyền, ghe khi nước lớn. Du khách phải vượt qua một bãi đầy những con hàu dài, rộng, gập ghềnh để ra viếng miếu. Nước biển nơi đây trong vắt, mát lạnh, phản chiếu xa xa là những phiến đá đủ kích cỡ với hình dáng lạ mắt, những viên sỏi nhỏ nằm rải rác trên khắp bờ biển…


Sự kết hợp hoàn hảo giữa đá và biển tạo nên nét đặc trưng của Hòn Bà. Vào những lúc bình minh hay hoàng hôn, Hòn Bà lại càng mang cho mình vẻ đẹp rực rỡ do những ánh nắng nhẹ phản chiếu, lung linh mờ ảo. Đặc biệt vào những đêm trăng sáng, Hòn Bà hiện ra như một bức tranh thủy mạc lung linh, kỳ bí, quyến rũ vô cùng. Những ánh sáng của ánh trăng chiếu xuống mặt biển tỏa quanh Hòn Bà như viên ngọc bừng sáng giữa biển khơi.


Hòn Bà vốn là một thắng cảnh hữu tình bởi dáng vẻ nhỏ xinh duyên dáng như một thiếu nữ tuổi tròn trăng. Những ngày nắng ấm chan hoà, Hòn Bà trở nên lấp lánh, long lanh, mang dáng vẻ của một cô gái năng động. và khi chiều xuống, Hòn Bà nằm giữa trời xanh nước biếc, sóng vỗ trắng xoá miên man, cảnh buồn xao xuyến, chút cô miên chen lẫn trong lòng. Hoàng hôn bao trùm cảnh vật, tiếng chuông theo gió thanh tao, cảnh trở nên thần tiên huyền bí.

Miếu Hòn Bà chứa đựng yếu tố văn hóa biển, phản ánh quá trình lao động, nghề nghiệp và đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân Vũng Tàu. Hòn Bà cùng với mũi Nghinh Phong – núi Nhỏ, bãi Vọng Nguyệt (khu vực bãi biển mũi Nghinh Phong) và Bãi Sau tạo thành quần thể cảnh quan sơn thủy, biển đảo đẹp nhất của TP. Vũng Tàu, là một địa chỉ vừa chứa đựng những giá trị nhân văn, vừa là thắng cảnh độc đáo, có thể xây dựng thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của tỉnh.


Việc đầu tư, tôn tạo miếu Hòn Bà là nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch, góp phần xây dựng cảnh quan đô thị nói chung và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trước sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, đánh thức một sản phẩm du lịch tiềm năng, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch của  tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.


Du lịch, GO! -Theo Trung Tâm Thông Tin & Xúc Tiến Du Lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, ảnh internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *