Tết của người Khơ Mú

Cũng như người Kinh, đông bào Khơ
Mú ở xã Nghĩa Sơn huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái ăn tết cổ truyền Mạz chiêng theo
tết Nguyên đán, vào khoảng 27-28 tháng chạp là thời gian đồng bào tích cực làm
các công việc chuẩn bị cho ngày tết như; củi lửa, các nguyên liệu gói bánh
chưng, lương thực thực phẩm, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa và đặc biệt hơn là phải
chuẩn bị một con lợn cúng tổ tiên, ma nhà trong dịp tết.


Phong tục đón tết của người Khơ
Mú ở xã Nghĩa Sơn khá độc đáo và đặc sắc. Điểm nổi bật trong ngôi nhà của đồng
bào trong dịp tết đó là hai bàn thờ; bàn thờ ma nhà và bàn thờ thổ công được
trang hoàng lộng lẫy, sặc sỡ với các loại giấy màu đỏ được trang trí khắp khu vực
bàn thờ trong những ngày tết.

Giấy đỏ theo quan niệm của người
dân là biểu tượng cho hạnh phúc và may mắn. Theo tập quán, trước ngày 30 tết
nhà nào cũng phải dựng bàn thờ này đón tổ tiên về chơi xuân ăn tết và kết thúc
ngày 15 tháng riêng dỡ bỏ để tiễn tổ tiên.

   

Theo tập quán truyền thống đêm 30
tết, sau giao thừa, nhà nào cũng mổ một con gà trống thiến để xem chân gà với
quan niệm dự đoán những điều may rủi cho năm mới của gia đình. Những người cao
tuổi nhất trong nhà sẽ đảm nhiệm việc thăm chân gà với những nguyên tắc xem
chân gà truyền thống, đồng bào xem để cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Cùng với các phong tục trong ngày
đầu năm, sau giao thừa các cụ già trong gia đình thường nghe trong lúc đi ngủ từ
đêm giao thừa đến sáng xem con vật gì sẽ kêu trước. Người dân cho rằng sau đêm
giao thừa, nếu con gà kêu trước thì năm đó sẽ mất mùa vì gà lúc nào cũng ăn. Nếu
lợn hay chó kêu trước, đồng bào quan niệm năm đó sẽ được mùa và no đủ vì chó
thì sang, lợn thì sung túc. Nếu năm đó con mèo kêu trước thì sẽ có nhiều chuột
đến phá nương rẫy của đồng bào.

Tục lấy nước vào buổi sáng là một
tập quán độc đáo, cách ứng xử của người dân với môi trường và các quan niệm về
vai trò nước trong cuộc sống. Sáng sớm tinh mơ ngày mồng một tết, bà chủ gia
đình là người dậy thật sớm và địu ống bương ra khe lấy nước mới. Theo quan niệm
dân gian, trong năm mới người dân phải dùng nước mới để lấy may. Bà chủ nhà địu
nước mới về trước tiên cho mỗi người trong gia đình uống một ngụm nước nhỏ để lấy
may, sau đó mọi người đều rửa mặt và chân tay bằng nước mới.

Nếu gia đình nào không đi lấy nước
mới trong ngày đầu năm, người ta cho rằng cả năm đó gia đình ấy sẽ không gặp
may mắn, năm mới làm ăn không tốt đẹp như năm cũ.

Trong ngày mồng một đầu năm, người
xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình người Khơ Mú. Người
có vía dữ hoặc là nữ giới đến xông nhà ‘thì cả năm đó gặp xui xẻo. Chính vì vậy
mà người xông nhà thường được người dân lựa chọn và chuẩn bị trước cho gia đình
và nhất thiết người xông nhà đó phải là nam giới.

Cũng với quan niệm như vậy, trong
ngày mồng một đầu năm, đồng bào kiêng những người làng này sang làng khác chơi
hay chúc tết vào ngày đầu năm, đồng bào cho rằng nếu đi sang làng khác vào ngày
đầu năm thì mọi của cải trong làng sẽ đi theo mà làm cho bản làng mình sẽ đói
kém trong suốt năm đó.

            Trong
ngày tết cổ truyền, mỗi gia đình đều phải mổ một con lợn dù to hay nhỏ để cúng
tổ tiên, lợn cúng tổ tiên và ma nhà của đồng bào Khơ Mú không mổ trước tết mà
tùy thuộc vào từng gia đình và những kiêng kị mà họ sẽ mổ lợn cúng vào ngày mồng
một, mồng hai hay mồng ba tết. Khi mổ lợn, gia chủ mời dân làng tới dự và ăn tết
cùng gia đình. Đây là dịp gia chủ cảm ơn bà con lối xóm trong một năm đã giúp đỡ
gia đình và là dịp để mời dân làng uống rượu.

                      

       
              

Sau ngày mồng một, dân làng đi
chúc tết nhau và tới dự lễ mổ lợn cúng và ăn tết tại các gia đình, theo tập
quán con cháu cùng bố mẹ đi chúc tết và mừng thọ ông bà, đáp lại ông bà thường
mừng mỗi cháu một đôi bánh chưng lấy may cùng với các lời chúc phúc, dặn dò con
cháu luôn luôn ngoan ngoãn nghe lời người lớn và ông bà. Do vậy, trong ngày tết,
đồng bào Khơ Mú thường làm rất nhiều bánh chưng để mừng tuổi con cháu, bánh
chưng của đồng bào thường được gói từ sau ngày mồng một tết sau khi đã mổ lợn
cúng để lấy thịt lợn làm nhân bánh. Đồng bào ăn tết cho tới rằm tháng giêng nên
bánh chưng được gói liên tục nếu trong nhà hết bánh. 

Trong dịp tết cổ truyền là dịp để
đồng bào Khơ Mú thăm hỏi chúc phúc cho nhau, cũng là dịp nghỉ ngơi để giao lưu
gặp gỡ, mọi người cùng vui mừng năm mới, uống rượu đánh chiêng trống, tổ chức
các hội xòe, múa các điệu múa truyền thống và tổ chức các sinh hoạt văn nghệ
dân gian truyền thống.

Đồng bào ăn tết cổ truyền cho tới
rằm tháng giêng mới kết thúc, vào ngày này (15 tháng giêng âm lịch) gia đình
làm lễ “đuổi ma” về rừng và kết thúc tết cổ truyền Mạz chiêng, bàn thờ được dỡ
bỏ và từ hôm sau mọi người lại bắt đầu các công việc thường ngày bận rộn với
nương rẫy, ruộng vườn.

Vào ngày kết thúc lễ tết cổ truyền,
người dân kiêng đi chơi, kiêng ra đường với quan niệm đây là ngày các gia đình
thả ma về rừng, tiễn biệt các cụ tổ tiên sau khi đã mời về ăn tết, do đó người
dân sợ ra đường vì cho rằng sẽ gặp ma sau khi đã kết thúc những ngày chơi xuân
ăn tết tại trần gian.

Và còn rất nhiều phong tục tập
quán hay, đẹp trong ngày tết cổ truyền của đồng bào Khơ Mú không thể giới thiệu
hết. Tết Mạz chiêng như lời gợi mở để du khách đến vùng đồng bào dân tộc Khơ Mú
khám phá vẻ đẹp và những điều thú vị trong ngày tết cổ truyền và các phong tục
tập quán của người dân nơi đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *