Tiêm phòng và theo dõi cho trẻ sau tiêm chủng
Các bậc phụ huynh cần phải tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo đúng lịch hẹn nhằm bảo vệ cho trẻ được phát triển toàn diện trong những năm đầu đời.
Hiện nay, ngoài chương trình tiêm chủng quốc gia, một số địa phương có tiêm chủng thêm một số loại sau:
1. Viêm màng não mủ do Heamophilus Influenza B (Hib) có thể chủng từ 2 tháng tuổi trở lên.Tùy theo tháng tuổi mà lịch tiêm nhắc lại khác nhau. Có thể kết hợp chủng Infanix hexa (6 loại: DTC, Polio, VGSVB, Hib), Pentaxim (5 loại: DTC, Polio, Hib), Tetract Hib (4 loại: DTC, Hib)…
2. Sởi – quai bị – rubeol (rubella) tiêm từ 15 tháng tuổi.
3. Thủy đậu (trái rạ) tiêm một mũi duy nhất từ 12 tháng tuổi.
4. Viêm não Nhật Bản B được chủng khi trẻ trên 12 tháng tuổi tiêm 3 mũi (mũi 1 và mũi 2 cách nhau 1 – 2 tuần, mũi 3 cách mũi 1 sau 1 năm) nhắc lại mỗi 3 năm.
5. Cúm: có thể tiêm từ 6 tháng tuổi trở lên.
6. Viêm màng não do Meningoccoci A + C (não mô cầu A + C).
7. Ngừa tiêu chảy do rotavirus: đối với trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi (uống).
8. Ngừa viêm gan siêu vi A: tiêm từ 1 tuổi trở lên.
9. Ngừa thương hàn: đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên…
Các phản ứng sau tiêm chủng cần biết
– Đau tại chỗ tiêm .
– Quấy khóc thường do đau.
– Sốt nhẹ hoặc cao trong vòng 24 – 48 giờ.
– Nổi nốt cứng hay nốt dưới da có thể xảy ra và tồn tại trong một hay vài tuần.
– Một số ít có biểu hiện nổi mẩn, ngứa, mề đay hoặc hồng ban.
– Có thể rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mất ngủ dễ kích động, trẻ bứt rứt khó chịu thoáng qua.
Các dấu hiệu nặng sau tiêm chủng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất:
– Sốt cao trên 39oC.
– Co giật.
– Tay chân lạnh, tím tái.
– Thở khó, co lõm ngực .
– Bứt rứt, quấy khóc nhiều không đáp ứng thuốc giảm đau hạ sốt thông thường.
– Lừ đừ, bỏ bú.
– Sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm.
Khi nào không chủng ngừa cho trẻ?
– Trẻ đang có bệnh cấp tính, viêm phổi, tiêu chảy… (thường biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, ho hoặc tiêu chảy nhiều lần).
– Trẻ đang được điều trị các loại thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticoide liều cao và kéo dài quá một tuần.
– Trẻ có phản ứng trầm trọng với thuốc chủng ngừa ở những lần chủng trước (tạm ngưng vài tháng và khi tiêm chủng nên tiêm từng loại vắc-xin một, không nên kết hợp nhiều vắc-xin cùng một lúc).
– Trẻ bị HIV(+) có triệu chứng suy giảm miễn dịch.
– Trẻ đang có bệnh ung thư, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
Làm gì khi con bạn bị sốt sau tiêm chủng?
Nhiệt độ bình thường của trẻ từ 36,5oC – 37,4oC. Sốt khi nhiệt độ đo hậu môn trẻ từ 38oC trở lên.
Sốt thường là triệu chứng của bệnh nhiễm siêu vi, vi khuẩn, đôi khi không phải do nhiễm trùng như bệnh hệ thống, bệnh lý ác tính, sốt do thuốc, sau chích ngừa, sốt do môi trường…
Nên làm:
Cho trẻ uống nhiều nước; trẻ tiếp tục được ăn, uống bình thường; nằm phòng thoáng; uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ 38oC trở lên; lau mát tích cực với nước ấm.
Phương pháp lau mát: dùng 5 khăn: 1 đắp trán, 2 đắp nách, 2 đắp bẹn. Lau với nước ấm thấp hơn thân nhiệt của trẻ 2oC.
Theo dõi nhiệt độ mỗi 15 – 30 phút, chấm dứt lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5oC.
PGS.TS.BS. Ngô Minh Xuân
Nguồn suckhoedoisong.vn
Nguồn suckhoedoisong.vn