Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc

Nhất Thanh, Nhì Lò, Tam Than, Tứ Tấc

Nghe qua có lẽ có cái gì đó khó hiểu. Nhưng với những người dân miền Tây Bắc thì đó là niềm tự hào của vùng núi Trung Du này. Bởi những dãy núi bao bọc đó là những cánh đồng lúa bạt ngàn nuôi sống bao nhiêu con người nơi này


Từ lâu, câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc với ngụ ý xếp hạng các cánh đồng. So với cánh đồng Mường Lò, Yên Bái; cánh đồng Mường Than, Lai Châu, cánh đồng Mường Tấc, Sơn La

Hãy cùng Blogdulich trải nghiệm và khám phá 4 cánh đồng lúa lớn nhất ở khu vực này nhé

1. Nhất Thanh (Mường Thanh)


Một địa điểm du khách không thể bỏ qua nữa là cánh đồng Mường Thanh. Nơi đây không chỉ nổi tiếng vì là nơi diễn ra trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ mà du khách sẽ không khỏi ngỡ ngành vì phong cảnh thiên nhiên cùng vẻ trù phú của cuộc sống trên cánh đồng Mường Thanh.

Lịch sử của vùng đất này đã có từ rất lâu đời. Ban đầu các mường thuộc Mường Thanh xưa gồm: Mường Phăng, Mường Nha, Mường Luân, Mường Lèo, Mường Lói, nay thuộc huyện Điện Biên; Mường U nay thuộc tỉnh Phong Xa Lỳ của Lào; Mường Và, Sốp Cộp nay thuộc tỉnh Sơn La. Tên gọi Mường Thanh xuất hiện lần đầu trong sách Hưng Hóa xứ Phong Thổ lục của Hoàng Bình Chính. Hoàng Công Chất nổi dậy chống lại vua Lê chúa Trịnh, chiếm đất Mường Thanh, xây đắp thành lũy gọi là Phủ Chiềng Lễ, phiên âm Hán -Việt là Trình Lệ. Ông đã ở đây từ năm 1754 đến năm 1769. Năm 1778 nhà Lê bình được Hoàng Công Toản (con trai Hoàng Công Chất) và đặt ra châu Ninh Biên thay cho tên gọi Mường Thanh, thuộc phủ An Tây. Ninh Biên có 12 mường nhỏ gộp lại. Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là “Xứ Trời”, gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Đây là “đất tổ” của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á.

Cánh đồng trải rộng từ Nghĩa Lộ tới Ðiện Biên với tổng diện tích khoảng 120 km2, có 12 xã thuộc vùng lòng chảo gồm: Thanh Minh, thị trấn Điện Biên, Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa. Nơi đây từng được người Thái xếp hạng là “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Câu nói trên có nghĩ là: so với cánh đồng Mường Lò, (Yên Bái), cánh đồng Mường Than (Lai Châu) cánh đồng Mường Tấc (Sơn La) cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên được đánh giá là rộng lớn nhất.Ngày trước, lên Điện Biên khá khó khăn, vất vả bởi đường dốc ngoằn ngoèo, đèo cao hiểm trở, dù có nhiều con đường dẫn đến nơi đây. Trong đó, đèo Pha Đin – một trong tứ đại đỉnh đèo thực sự là một thử thách cam go không dễ vượt qua. Tuy nhiên, ngày nay với việc mở đường bay Hà Nội – Điện Biên, việc di chuyển và khám phá cánh đồng lớn nhất Tây Bắc trở nên dễ dàng.

Cánh đồng Mường Thanh được biết đến với trận Điện Biên Phủ năm 1954, giữa quân đội Việt Minh (do tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy) và quân đội Pháp (do tướng Christian de Castries chỉ huy). Cuộc chiến mang ý nghĩa rất lớn trong việc kết thúc vai trò của người Pháp ở bán đảo Đông Dương, và đưa tới việc kí kết hiệp định chia Việt Nam ra thành 2 miền: Bắc và Nam. Trận Điện Biên Phủ được nhắc đến như một chiến thắng vĩ đại nhất của các nước Đông Nam Á chống lại một cường quốc phương Tây.

Hiện nay chạy dọc thung lũng Mường Thanh, nơi diễn ra cuộc đọ sức lịch sử năm xưa là đại lộ 279, con phố chính và lớn nhất thành phố Điện Biên Phủ. Từ trên cao nhìn xuống, du khách có thể thấy cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy các di tích lịch sử của trận chiến ngày nào. Dù đi bằng cách nào thì khi đến với Mường Thanh vào thời gian này, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng vẻ trù phú khi nơi đây. Nằm giữa lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy ngô lúa. Từ cuối tháng 9, lúa mùa khu vực lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ, khiến du khách ghé thăm ngỡ như đi giữa mùa vàng. Một cảm giác thân thuộc của cánh đồng quê Bắc Bộ trải dài ngút mắt, nhưng vẻ đẹp kiêu hùng của cánh đồng lúa bốn bề núi bọc cũng chẳng hề xen lẫn.

Không chỉ nổi tiếng về diện tích mênh mông, với điều kiện thâm canh thuận lợi, cánh đồng Mường Thanh còn mang đến cho đời những hạt ngọc thơm ngon đặc biệt với thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng. Hạt gạo nhỏ, có hương thơm tự nhiên, khi nấu cơm trắng, dẻo ngọt và có vị đậm đà.

Hạt gạo từ cánh đồng Mường Thanh đã mang đến vẻ đẹp trù phú cho vùng đất Điện Biên vốn vang danh với những chiến công hiển hách. Từ đặc sản gạo Điên Biên, đã có rất nhiều món ngon được chế biến như xôi nếp nương, bánh dày. Hấp dẫn không kém là cá suối, canh măng, ngồng cải luộc và bắp cải cuốn nhót. Bởi vậy mà hành trình về với Điện Biên chưa bao giờ xưa cũ.

Có thể đến Mường Thanh, bạn có thể chưa quen với biên độ nhiệt chênh lệch khá lớn trong ngày, thường khoảng 5 – 10 độ C. Thêm vào đó, cường độ chiếu sáng dài khiến nhiều người có đôi phần khó chịu. Nhưng để làm nên những hạt ngọc dẻo thơm, chính điều kiện khí hậu này đã góp công đáng kể. Với việc lựa chọn tham quan vào mùa lúa chín, khi tiết trời se lạnh và nắng không còn gắt, bạn sẽ có những giây phút tuyệt vời.

2. Nhì Lò (Mường Lò)


Ai đã từng đến Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ), một vùng đất phì nhiêu, trù phú của vùng Tây Bắc, nơi có cánh đồng bằng phẳng, thẳng cánh cò bay rộng thứ hai khu vực Tây Bắc, nổi tiếng với “gạo trắng, nước trong”, với đặc sản chè tuyến Shan cổ thụ, với hương thơm nồng nàn của nếp Tan Tú Lệ. Nơi đây còn là mảnh đất quần cư của người Thái đen giàu bản sắc, đậm đà phong tục, tập quán. 


Với những thửa ruộng bậc thang mượt mà, óng ả trong nắng, trải tới chân núi xa, Mường Lò xứng với câu ca: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu.


Thung lũng Mường Lò – Ảnh: Sưu tầm 


Trong số bốn thung lũng lớn nổi tiếng vì phong cảnh đẹp và khí hậu trong lành ở vùng Tây Bắc, thì cánh đồng Mường Lò được xếp thứ hai sau Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) và đứng trên Mường Than (Than Uyên, Lai Châu) và Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La). Mường Lò hiện nay gồm thị xã Nghĩa Lộ và một số xã thuộc huyện Văn Chấn. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Lò như một cái chảo lớn, xung quanh là những triền núi quanh năm mây phủ. Vào mùa xuân, sương mù càng đậm đặc hơn.


Quốc lộ 32 uốn lượn giữa miền núi non Tây Bắc “thanh sơn, bích thủy”. Núi cao, vực sâu, bạt ngàn cây rừng, lau lách. Đỉnh dẫy núi xa đổ xuống những dòng thác mây như từ trên trời đổ xuống mỗi khi vào đông khiến ta tưởng như thấy thác núi Lư trong thơ Lý Bạch đời Đường “Thác bay thẳng xuống ba nghìn thước/Tưởng dải Ngân hà tuột khỏi mây…”. Rồi như một phép màu, con đường quốc lộ bỗng lọt vào một cánh đồng bằng phẳng biêng biếc sóng lúa Mường Lò.

3. Tam Than (Mường Than)


Huyện lỵ Than Uyên nằm trong thung lũng, và thung lũng là một cánh đồng thoải mênh mông. Đến Than Uyên, bạn được hòa vào một cuộc sống bản địa mộc mạc của những nhịp chân dệt thổ cẩm. Cảnh sắc và cả những món ngon cứ níu chân khách phương xa. Cá pa boong, đó là món ăn bạn có thể tìm thưởng thức ở bất kể nơi đâu, từ quán nhỏ nơi thị trấn hay trong bản nhà sàn xinh xắn của đồng bào Thái. Đó là món ăn có từ xa xưa của người Thái, mà nay vẫn nức tiếng. ể “tạc khắc” nét ẩm thực riêng và đặc sắc này, bà con phải ra dòng Nậm Mu đánh bắt loài cá theo tiếng Thái gọi là pa vá. Cá được làm sạch, rồi trộn với gia vị gừng,  muối, ớt, tỏi, rượu, đặc biệt phải có thính nếp rang thơm… trộn ướp đều tay. Cá sau khi ướp được cho vào một đoạn ống măng mai bịt kín, đợi trong vòng nửa tháng là ngấu muối, có thể dùng được. Khi ăn cho cá vào than hồng nướng qua, gọi là lấy nhiệt lửa cho dậy mùi khói. Cá nướng ăn với xôi nếp thơm sẽ làm người thưởng thức nhớ mãi không quên. 

Mùa này, thả hồn trên cánh đồng Mường Than, nhịp sống lao động đầy sắc màu quyến rũ. Ta đi chầm chậm trên cánh đồng xanh vô tận, như lạc vào thảo nguyên bao la trong cổ tích. Thỉnh thoảng cơn gió ùa về lòng chảo tạo nên vùng tiểu khí hậu khá đặc biệt trên cánh đồng đẹp thứ ba vùng Tây Bắc. Bởi thế “gió Than Uyên” cũng là “đặc sản” của thung lũng này. Gió rít mạnh, quẩn quanh lòng chảo, mùa này gió hanh khô. Du khách muốn khám phá Than Uyên, thường ngược xã Mường Cang, qua xã Mường Mít để ngắm những nếp nhà sàn đồng bào Thái thấp thoáng trong màu hoa đỗ quyên rực rỡ triền núi. Điều làm ta thích thú, không chỉ riêng khung cảnh cổ tích mà còn cả hình ảnh người phụ nữ Thái cần mẫn bên khung dệt. Phụ nữ Thái ở xã Mường Cang vào mùa này bận bịu việc dệt thêu khăn, đệm cho gia đình, đặc biệt với những cô gái chưa chồng thì phải cần mẫn ngày đêm thêu dệt chuẩn bị cho mùa hạnh phúc mỗi khi tết đến, xuân về./.

4. Tứ Tấc (Mường Tấc)


Với trên 1.600 ha, cánh đồng Mường Tấc (Phù Yên) đang được coi là vùng trọng điểm lúa của tỉnh Sơn La tiếp tục được bàn tay cần cù chịu thương, chịu khó của người dân vùng đất Phù Hoa làm nên những mùa vàng nối tiếp ấm no…

Cánh đồng Mường Tấc trù phú, vựa thóc gạo lớn nhất tỉnh Sơn La, trải rộng qua các xã Huy Thượng, Huy Tân, Quang Huy, Huy Bắc, Huy Hạ, kéo theo chiều dài con suối Tấc ra tận Tường Phù, Gia Phù, Tường Thượng… đang được gieo trồng 100% giống mới chất lượng cao, năng suất bình quân 75 tạ/ha, có nơi 80 tạ/ha. Không chỉ nổi tiếng bởi “cơm nếp dẻo, cá nướng thơm” đã đi vào trong thi ca, nhạc họa qua những câu ví trữ tình đằm thắm, mà hạt gạo Mường Tấc còn rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Mặc dù phương thức canh tác đã có những đổi thay nhưng gạo Mường Tấc vẫn ngon, dẻo mềm và thơm lạ. Các loại giống lúa nếp đua sức vươn cao, trổ bông, trĩu hạt; các giống lúa tẻ cũng khỏi bàn, nhất là các giống BC15, Sán ưu, Nhị ưu, R64, LT2…, hình như duyên tình “cây và đất” đã chọn, luôn cho chất lượng thơm, dẻo hơn hẳn các vùng khác.

Trong căn nhà hai tầng mới xây, anh Hoàng Toàn, bản Giáo 1, xã Huy Tân kể chúng tôi nghe: Trước đây, chưa nghĩ tới ăn ngon nên hầu hết bà con đều trồng các giống lúa cho năng suất cao. Bây giờ thì khác, phải dẻo, thơm, chất lượng cao. Gia đình tôi chỉ có 1.500 m2 ruộng đều trồng giống BC15, mỗi vụ thu trên 7 tạ thóc, bán đổ cho tư thương đến mua tại nhà cũng được 90 ngàn đồng/kg. Cũng ở bản này, gia đình anh Hà Sỹ Vương thâm canh 4.000m2 ruộng 3 vụ, mỗi năm thu về gần 40 triệu đồng, chưa kể phát triển thêm chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Một quầy bán gạo Mường Tấc ở thị trấn Phù Yên 

Gạo Mường Tấc luôn được thương nhân từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh về đặt mua từ đầu vụ. Xác định đây là cơ hội đưa cây lúa trở thành cây hàng hóa chủ lực vùng trọng điểm lúa, huyện Phù Yên đã chỉ đạo các ngành liên quan về tận cơ sở hướng dẫn bà con thâm canh tăng vụ. Hàng loạt giống mới năng suất, chất lượng cao được đưa vào thâm canh làm tăng đáng kể sản lượng lương thực hằng năm. Riêng niên vụ 2015, cánh đồng Mường Tấc đã cung cấp sản lượng hơn 25.000 tấn thóc, góp phần đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Tới khu chợ của thị trấn Phù Yên, thấy dọc hai bên dãy phố nhà mới cao tầng san sát bày chất ngất những bao gạo Mường Tấc thơm nồng hương lúa mới, nhộn nhịp kẻ bán người mua mà chẳng thấy treo biển giới thiệu, quảng bá. Giải thích điều này, chủ một đại lý có tên Lảy Mười chuyên kinh doanh mặt hàng thóc gạo cho biết “Ở đây không có chỗ cho gạo địa phương khác trà trộn, chỉ bán duy nhất gạo Mường Tấc, nên không cần phải treo biển quảng cáo. Gạo Phù Yên luôn trong tình trạng “cháy hàng”, nhất là những ngày giáp Tết”.

Còn chị Bạc Thị Thúy ở bản Mo, xã Quang Huy, không giấu diếm niềm vui: “Nhà tôi có hơn 3.500m2 ruộng, luân canh 3 vụ, gieo cấy 100% giống mới, năng suất đạt 75 tạ/ha vậy mà vẫn không đủ gạo cung cấp cho tư thương. Tôi đã mở thêm đại lý, mua gom thóc gạo của bà con trong vùng về để bán. Riêng vụ mùa 2015, nhà tôi bán hơn 6 tấn gạo tẻ thơm, còn gạo nếp chừng hơn 2,5 tấn!”.

Tư thương đến mua thóc gạo Mường Tấc

Nói về định hướng phát triển thương hiệu gạo Phù Yên, ông Cầm Ngọc Liên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện khẳng định “huyện tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, vận động các doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm theo phương thức liên kết “4 nhà”, xây dựng cánh đồng mẫu lớn cấy cùng một loại giống, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học cho nông dân, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vận động bà con cấy theo phương pháp truyền thống, vừa đảm bảo môi trường, kích thích sự phát triển trở lại của tôm, cá, lươn, ếch, nhái, cua đồng và những côn trùng có ích khác…

Định hướng phát triển vùng trọng điểm lúa Mường Tấc là thế. Tiếng thơm hạt gạo Mường Tấc chắc chắn còn thơm mãi, khẳng định tiềm năng, lợi thế của vùng quê lúa đã được kích hoạt đúng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *