Người thân sẽ mổ bò, mổ lợn, cầu cho người chết tìm được đường về yên nghỉ với tổ tiên trong lễ cúng “ma khô” của người Mông ở cao nguyên đá Hà Giang.
Ngày nay, tập tục cúng ma khô của người Mông tại Mèo Vạc, Hà Giang đã có nhiều biến đổi nhưng tục này vẫn được duy trì với nhiều bản sắc độc đáo. Khác với người dân tộc Kinh, khi người thân mất đi, họ thường tổ chức cúng 49 hay 100 ngày, nhưng người dân tộc Mông sau một năm mới tổ chức đám giỗ, gọi là cúng “ma khô”. Cũng tùy theo điều kiện kinh tế của từng dòng họ, từng gia đình mà họ có tục làm ma khô khác nhau. Người có điều kiện khá giả thì mổ cả con bò, con lợn, người khó khăn hơn thì chỉ mổ một đôi gà, tuy nhiên họ đều mong muốn cho linh hồn người đã chết được siêu thoát.
< Lễ ma khô của người Mông cũng mang ý nghĩa tương tự như lễ giỗ đầu của người Kinh.
Thường trước đó, trong lễ tang người chết, thầy cúng hứa với ma sẽ làm lễ ma khô (làm lễ chay) 12 ngày sau khi chôn cất. Nếu đến ngày đó mà gia đình chưa có điều kiện sẽ phải hứa lại, nếu không làm sẽ bị ma quấy rối không cho làm ăn, làm mặc tốt đẹp. Người Mông sống rất tín nghĩa, đã hẹn làm điều gì thì phải làm bằng được, vì vậy, khi có điều kiện, người Mông sẽ mời thầy cúng về làm lễ dưới sự chứng kiến và tham dự của anh em, họ tộc.
< Lễ rước “ma khô” ra đồng diễn ra rất nhanh, sau khi hoàn tất, mọi người đều nhanh chóng trở về nhà gia chủ và tham gia bữa tiệc cúng ma.
Dulichgo
Để làm lễ Ma khô, không thể thiếu cẩu vá, hình nộm được làm bằng tre vót tròn uốn cong biểu tượng cho chiếc quan tài chứa người đã khuất. Đầu buổi sáng, anh em, người thân tron nhà tụ tập lại, chuẩn bị sẵn gà, lợn, xôi rồi tiến hành nghi lễ. Người ta dựng một chiếc cột trước nhà, rồi mang chiếc trống treo lên cột, gõ khua rộn rã cùng với tiếng khèn.
Một số người mang rơm và cành cây đến để dựng một chiếc lều nhỏ, tượng trưng cho ngôi nhà dành cho những người đã mất. Trong lúc dựng lều, thầy cúng cùng người thổi khèn đi vòng quanh chiếc lều, vừa đi vừa hát. Chiếc cẩu vá được đặt trên chiếc chiếu trải phía trong lều, trên đó có xôi, một chén đựng rượu, một ống trúc bị chẻ làm đôi và một cái muôi nhỏ để múc rượu. Cùng lúc đó, gà, lợn… được mang ra để làm lễ tế.
< Đi đầu đoàn rước ma là những người thân trong gia đình, tiếp đến là thầy trống, thầy khèn, một phụ nữ cầm bó đuốc rơm, vừa đi vừa huơ tay như thể mở đường cho “ma khô”.
Thầy cúng vừa hát bài ca gọi hồn bằng tiếng Mông có ý nghĩa ca ngợi tổ tiên, bày tỏ tình cảm thương mến với người đã chết, đồng thời cũng răn dạy, dặn dò những người còn sống phải chăm chỉ làm ăn sẽ giúp họ thoát khỏi đói nghèo. Sau đó, thầy cúng vừa rót rượu rồi tung ống trúc, nếu sau khi tung hai mảnh trúc tách rời nhau ra nghĩa là người chết chưa ưng còn nếu sau khi rơi xuống chiếu, hai mảnh trúc vẫn dính vào nhau nghĩa là lời cầu xin đã được ưng thuận.
Dulichgo
Theo tục lệ, những điệu nhạc và điệu trống sẽ được chơi trong suốt thời gian “ma khô” được cúng tế. Tuy nhiên những âm thanh này không mang không khí đau thương, bi lụy mà như lời nhắn nhủ con người cần phải yêu thương nhau hơn.
Khi ma khô đồng ý ra khỏi nhà, gia đình sẽ làm lễ tiễn. Đi đầu đoàn là những người thân, tiếp đến là người đánh trống, khèn, một phụ nữ cầm bó đuốc rơm, vừa đi vừa huơ tay như thể mở đường cho ma khô. Một người đàn ông nâng biểu tượng “con ma” có mặc chiếc áo cũ của người đã khuất, nhiều dân làng xếp hàng đi thành đoàn dài phía sau.
Đám rước vừa đi vừa đánh trống, thổi khèn. Đến gần ngôi mộ chôn người chết thì dừng lại, hạ “ma khô” xuống đất, tiến hành mời rượu và lại tung hai nửa gióng tre để hỏi lại người chết có thật sự muốn đi về với tổ tiên không. Khi được đồng ý, tất cả mọi người đều cười hỉ hả và ma khô lập tức được tung lên, bay ra xa. Lúc này người chết đã tìm được đường về với tổ tiên. Sau khi hoàn tất, mọi người đều nhanh chóng trở về nhà gia chủ và tham gia bữa tiệc cúng ma.
Du lịch, GO!