Đã vào mùa mưa nhưng cũng chính là lúc vào hè, mùa du lịch. Những chuyến đi dài thường khó tránh những đoạn đường có xuất hiện đèo núi. Địa hình dốc trong thời tiết mưa giông ẩm ướt có thể sẽ khiến nhiều tài xế ít kinh nghiệm gặp khó khăn.
Chỉ đến khi vụ một chiếc container thổi bay hơn chục người xuống vực tại Cao Bằng, hồi cuối năm Nhâm Thìn, nhiều lái xe có hoặc có ít kinh nghiệm đi đèo núi bỗng giật mình tự hỏi, liệu điều khiển xe cẩn trọng ở địa hình khuất tầm nhìn đã đủ an toàn?
Một chiếc xe tải trọng nặng hay xe đang chạy ở tốc độ cao khi đổ đèo, bất ngờ gặp đám đông cản đường sẽ rất khó tránh va chạm. Một trong những thói xấu của người Việt là hay túm tụm chỉ để hóng tai nạn của người khác, dẫn đến ách tắc giao thông và làm tăng nguy cơ mất an toàn, nhất là khi đang ở trên dốc.
Từ vụ tai nạn ở Cao Bằng hay trên đèo Bảo Lộc mới đây, có thể là lời cảnh báo cho mọi người, rút ra bài học để giảm thiểu những rủi ro trên hành trình đi du lịch mùa hè.
Đặc thù của đường đồi núi, đèo dốc là đường vắng, không có hàng quán, không có trạm sửa chữa, tóm lại là rất hiếm sự trợ giúp bên ngoài mà bạn phải hoàn toàn chủ động bổ túc tay lái khi đi trên đường đồi, núi, đèo, dốc…
Những kinh nghiệm lái xe trên đèo sau có thể có ích cho người điều khiển phòng tránh những tai nạn đáng tiếc. Bài viết được sự hỗ trợ từ một số thành viên trong câu lạc bộ offroad của diễn đàn Otofun.
Trước mỗi chuyến đi, nên tìm hiểu trước cung đường sẽ trải qua. Điều này sẽ giúp bạn có ý thức chuẩn bị các công cụ hỗ trợ cần thiết tương ứng với loại địa hình tương ứng. Đừng ngại và dành thời gian kiểm tra toàn xe, đặc biệt là hệ thống phanh, lốp (nếu lốp nếu mòn quá hãy thay thế) và đèn báo trước khi đi và chuẩn bị băng đèo. Hệ thống lái của xe phải được cân bằng, hệ thống dầu cho động cơ và nước làm mát phải có đầy đủ.
Quá trình đưa xe lên dốc đòi hòi phải có lực rất lớn chính vì vậy cần phải lên xuống số phù hợp, thay với tốc độ và công suất của xe. Kể cả số sàn và số tự động, hãy luôn đi chậm hơn khả năng của mình có. Bởi vì quá nhiều sự nguy hiểm có thể xảy ra, luôn luôn chú ý quan sát và đọc biển báo. Biển báo nguy hiểm có độ dốc; biển báo đường chính, phụ; biển báo có khúc ngoặt, cua gấp… ở những đường cua vắng, khuất tầm mắt.
Nên sử dụng đèn chiếu sáng liên tục khi đang vận hành xe trên đèo, kể cả vào ban ngày. Trong điều kiện thời tiết có sương mù hay mưa phùn, đừng quên sử dụng đèn gầm. Nếu tầm nhìn hạn chế và xe không được trang bị đèn sương mù, nên dán giấy nylon màu vàng/đỏ vào đèn, điều này sẽ có lợi bởi tầm quan sát rõ hơn.
Hầu hết các đèo ở Việt Nam đều có những góc cua gấp mà tài xế sẽ không thể nhìn được chướng ngại vật trước mặt. Do vậy, tại những vị trí này, nên đi chậm kết hợp với bấm còi và nháy đèn pha để thông báo cho các phương tiện giao thông khác, kể cả khi đường có cắm gương cầu quan sát.
Khi xuống dốc cần phải giảm tốc độ và xuống số thấp. Bởi vì khi động cơ ở số thấp thì hệ thống bánh răng sẽ ghìm được xe, chống trôi tự do. Như vậy bạn không phải phanh quá nhiều và không bị tổn hại phanh. Nếu xe xuống dốc mà phanh quá nhiều, hệ thống phanh sẽ sinh nhiệt cộng với áp lực dầu quá lớn có thể phá vỡ tuy ô dầu. Đây là nguyên nhân của việc mất phanh và mất lái gây ra tai nạn.
Sử dụng số phù hợp với độ dốc của đèo, nếu số thấp quá có thể sẽ làm động cơ bị quá nhiệt thì số cao quá dễ làm mất kiểm soát. Ra vào số theo nguyên tắc “lên già – xuống non”, nghĩa là khi leo lên thì tăng số muộn hơn, còn khi đổ đèo thì về (xuống) số sớm hơn so với lúc điều khiển trên đường bằng. Cố gắng giữ máy vận hành ở số thấp và “lên số nào – xuống số đó”.
Riêng về xe gắn máy: khi chạy ở nơi dốc núi, nhiều người có xu hướng sử dụng phanh liên tục để hãm tốc độ. Tuy nhiên, đây lại là thói quen và kỹ năng lái không có lợi cho xe. Rà phanh liên tục sẽ khiến má phanh nóng, dẫn tới mất ma sát, có thể cháy má thắng và làm giảm tác dụng của phanh.
Để hãm tốc độ xe khi đổ đèo, nên chau dồi kỹ năng dùng số kết hợp với phanh. Phanh hoạt động tốt nhất sau khi đã về số hoặc phải giảm tốc độ khẩn cấp. Tuy nhiên, ngay cả khi phải dùng để giảm tốc độ cũng cần tránh phanh gấp, đặc biệt lúc xe đang vào góc nghiêng.
Tập trung điều khiển xe đi đúng làn đường cho phép, tránh lấn trái. Chỉ nên lấn làn tại những đoạn có kẻ sơn đường đứt đoạn và không có phương tiện đi ngược chiều. Hạn chế tối đa việc vượt xe cùng chiều khi leo đèo nhất là những xe có tải trọng lớn. Nếu có ý định vượt xe khác trên đèo, nên chọn đoạn đường có tầm quan sát rộng, vượt dứt khoát, vượt xong phải cho xe sớm trở lại phần đường của mình. Hạn chế vượt lúc vào cua, trừ những góc cua trái có tầm quan sát rộng.
Không nên bám sát xe phía trước, giữ khoảng cách an toàn và phòng trường hợp phanh gấp. Khi leo đèo quá dốc, toàn đá hoặc bùn trơn nên kiếm dây thừng quấn vào bánh xe để tăng độ ma sát. Cố gắng tránh tuyệt đối việc dừng xe ở những góc khuất trên đèo. Trong trường hợp bất khả kháng do xe hỏng, thì phải có biện pháp cảnh báo cho các xe khác ở trước khúc cua.
Khi đi đèo vào mùa mưa lũ, nên chú ý các đoạn đường vách núi cao. nếu có hiện tượng nước màu đỏ gạch chảy qua đường, thì nên lưu ý đoạn đường đó rất dễ bị sạt lở do đất đá đã no nước và dễ có hiện tượng lũ bùn.
Chú ý từ xa những bụi nhỏ, đá con rơi xuống từ vách núi, nếu các loại đá bụi này rơi từ vị trí càng cao càng nguy hiểm bởi đó là hiện tượng sạt lở, cây cối đổ, sạt ta-luy,… Trong những trường hợp này phải đi thật chậm để quan sát và nếu quá nguy hiểm thì nên quay đầu xe để giữ an toàn.
Hãy tạo thành thói quen nghỉ trước khi mệt. Với cung đường này trung bình 40 -> 50km, bạn nên nghỉ lấy sức, thư giãn sau một chặng đường dài làm việc quá sức. Nếu xe sử dụng lâu nên mở lắp cabô kiểm tra, có thể bạn sẽ phát hiện điều gì đó có ích cho sự an toàn của bạn. Bạn hãy uống nhiều nước sau một khoảng thời gian căng thẳng.
Hãy để những chuyến đi du phượt hè luôn ngập tràn niềm vui bằng việc lái xe an toàn, chủ động trong mọi tình huống và tuyệt đối không sử dụng rượu bia trước và trên hành trình.
Du lịch, GO! – Tổng hợp từ Vneconomy, Đào tạo lái xe… và nhiều nguồn ảnh khác