KHA TỬ 訶 子

KHA  TỬ   訶 子

Cây cao 10-12m, có vỏ màu đen nhạt, trên có những vết nứt dọc. Lá so le, cuống ngắn, hình trứng, đầu nhọn dài chừng 10-15cm, rộng 5-12cm

KHA  TỬ   訶 子

Terminalia chebulla Retz.

KHA  TỬ   訶 子
KHA  TỬ   訶 子

Xuất xứ : Dược Tính Bản Thảo.

Tên khác : A Tử, Hà Tử, Kha Lê Lặc,  Kha  Tử  Nhục, Kha Tử Thán, Sáp Ông, Tùy Phong Tử (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển),  Chiêu Liêu, Chiều Liều ( Việt Nam),.

Tên khoa học Terminalia chebulla Retz.

Họ khoa học : Họ Combretaceae (Bàng).

Mô tả : Cây cao 10-12m, có vỏ màu đen nhạt, trên có những vết nứt dọc. Lá so le, cuống ngắn, hình trứng, đầu nhọn dài chừng 10-15cm, rộng 5-12cm, dai, khi còn non hơi có lông mềm trên cả 2 mặt, phía sau thì nhẵn, ở đầu cuống có 2 tuyến nhỏ. Hoa mọc thành bông hình chuông nhỏ, màu trắng, lưỡng tính, mùi thơm, mọc ở ngọn cành hoặc kẽ lá, cuống ngắn, trên có phủ lông màu vàng nhạt. Quả hình trứng thon, dài 3-4cm, rộng 2,2-2,5cm, 2 đầu tù, có 5 cạnh dọc, màu nâu vàng nhạt, thịt đen nhạt, khô, cứng, hơi hình 5 cạnh, dày khoảng 1-1,5cm.   

Địa lý : Việt Nam vẫn còn phải nhập từ Trung Quốc.

Thu hái, sơ chế : Vào tháng 9,10,11, hái quả chín về phơi khô làm thuốc.

Phần dùng làm thuốc: Dùng quả khô. Quả ngoài vỏ màu vàng ngà, cứng chắc là tốt.

Bào chế:

+  Sau khi ủ nước cho mềm, bổ ra, bóc bỏ hột đi, nướng lên dùng hoặc tẩm với rượu rồi hấp lên dùng ( Đông Dược Học Thiết Yếu).

+  Rửa sạch, để ráo nước, sao sơ, lúc bốc thuốc thang thì giã dập, bỏ hạt dùng (Phương Pháp bào chế Đông Dược).

+  Lấy vỏ giã dập rồi ngậm để trị cổ họng đau hoặc ho mất tiếng (Kinh Nghiệm Dân Gian).

+  Các ca sĩ nên dùng thịt quả Kha tử trộn với mật ong và Ô mai để ngâm cho tiếng được thanh, đỡ khô cổ (Kinh Nghiệm Dân Gian).

Bảo quản : Nên thường xuyên đem phơi để tránh mốc.

Thành phần hoá học:

+  Kha tử có hàm lượng Tanin 20-40%. Qủa khô có thể có đến 51,3%. Gồm Acidegalic, Acidgalic và Acidluteolic, Acidchebulinic (3-4%). Trong nhân còn có 36,7% dầu vàng nhạt, trong (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+  Vỏ thân cây Chiêu liêu chứa 2% Tanin và 10% Calci oxalat. Người ta đã chiết được từ vỏ 35% cao khô, trong đó không có Acid Gallic, Acid Digallic tự do, có thể chứa Acid Cachoutanic và Plobaphen (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

Tác dụng dược lý :

+  Tác Dụng Kháng Khuẩn : chế phẩm Kha tử có tác dụng ức chế in vitro 1 số vi khuẩn : trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn bạch hầu, Pseudomonas Aeruginosa, Salmonella Typhi, tụ cầu vàng và liên cầu tán huyết (Trung Dược Học).

+  Tác Dụng Trên Vết Vị Trường : do chất Tanin, Kha  tử có tác dụng cầm tiêu chảy nhưng khi trích ly Tanin đi, thuốc chứa hoạt chất có tác dụng trước hết gây tiêu chảy rồi lại- tác dụng thu liễm.  Chiết xuất cồn của thuốc có tác dụng chống co thắt tương tự như  Paparverine (Trung Dược Học). 

+ Ngoài chất Tanin ra, Kha tử còn có thành phần gây tiêu chảy giống như vị Đại hoàng, lúc đầu gây tiêu chảy, sau đó lại có tác dụng thu liễm (Trung Dược Học).

+ Chiết xuất cồn của Kha tử có tác dụng chống co thắt giống như tác dụng của Spassmaverine (Trung Dược Học).

+  Tác Dụng Trị Lỵ : 25 bệnh nhân có vi khuẩn lỵ được điều trị bằng chiết xuất Kha  tử, bằng đường uống hoặc thuốc viên . Có 23 bệnh nhân đã được khỏi. Thời gian trung bình để nhiệt độ trở lại bình thường là 2,4 ngày và nhu động ruột trở lại bình thường là 2,9 ngày. Hiếm có trường hợp nôn mửa. Không thấy có phản ứng phụ (Chinese Hebral Medicine). 

+  Vỏ thân cho uống có tác dụng hạ đường huyết trên chuột có mức đường huyết bình thường . Qủa có tác dụng gây hạ đường huyết trên chuột, có ảnh hưởng đối với hệ thần kinh trung ương và tác dụng chống siêu vi khuẩn bệnh Raniklet trong thể nghiệm in vitro. Cao cồn của qủa có hoạt tính trung bình ức chế 1 số vi khuẩn và nấm. Hoạt chất Chebulin trong qủa có tác dụng chống co thắt tương tự Papaverin. Vỏ cây có tác dụng lợi tiểu và cường tim. Cao chiết của vỏ thân với Methanol có tác dụng đối với huyết áp, co bóp ruột thỏ và tử cung chuột lang. Một chế phẩm gồm có hạt T.Chebula, vỏ thân T.Arjuna và 1 số dược liệu với lượng bằng nhau, cho chuột cái uống vào những ngày từ 1-5 của thời kỳ thai nghén, 60% chuột đã bị ức chế sự làm tổ của trứng và gây tăng tỉ lệ số bào thai bị tổn thất ở những lứa chuột đẻ (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).

Tính vị :

+ Vị đắng, sáp, tính bình ( Dược Tính Bản Thảo).

+ Vị đắng, tính ôn, không độc (Tân Tu Bản Thảo).

+ Vị chua, sáp, tính ôn, không độc (Hải Dược Bản Thảo).

+ Vị chua, đắng, tính ôn, sáp, không độc (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+ Vị đắng, sáp, tính bình (Trung Dược Học).

+ Vị đắng, chua, chát, tính ôn ( Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh:

+ Vào kinh Đại trường, Vị (Bản Thảo Cầu Chân).

+ Vào kinh Can, Phế, Đại trường, Tỳ, Thận (Lôi Công bào chế Dược Tính Giải).

+ Vào kinh Phế, Đại trường (Trung Dược Học).

+ Vào kinh Phế, Đại trường ( Đông Dược Học Thiết Yếu).

-Tác Dụng :

+ Sáp trường, liễm Phế ( Đông Dược Học Thiết Yếu).

Chủ trị:

+ Trị tiêu chảy, lỵ kéo dài, lòi dom, ho suyễn, mất tiếng ( Đông Dược Học Thiết Yếu).

Liều dùng :

Kiêng kỵ :

+ Thấp nhiệt tích trệ, không nên dùng độc vị Kha tử (Trung Dược Học).

+ Ho do Phế có thực nhiệt, tiêu chảy do thấp nhiệt : không nên dùng ( Đông Dược Học Thiết Yếu).

+ Ho và tả lỵ mới phát, tà chưa thanh: không dùng (Thực Dụng Trung Y Học).

Đơn thuốc kinh nghiệm :

+  Trị tiêu chảy, hao tổn chân khí : Kha  lê lặc, tán thành bột, hòa với nước cơm hoặc nước cháo để uống (Kha Lê Lặc Tán – Kim Quỹ Yếu Lược).

+  Trị tiêu chảy, lỵ mạn tính : Kha tử 10g, Hoàng liên 6g, Mộc hương 6g. Tán bột. Ngày uống 3 lần mỗi lần 6-10g với nước cơm (Kha  Tử Tán – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+  Trị tiêu chảy, lỵ thể hàn : Kha tử 10g, Quất bì 10g, Cù túc xác 6g, Can khương 4g. Tán  bột, ngày uống 3 lần mỗi lần 6-10g với nước đun sôi để nguội (Kha Tử Bì Tán – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

+  Trị ho lâu ngày mất tiếng : Kha tử 10g, Cát cánh 10g, Cam thảo 6g. Sắc uống (Kha Tử Thanh Âm Thang – Trung Dược Học).

+  Trị trẻ nhỏ bị tiêu chảy : Kha tử, Phòng phong, Trần bì, Mạch nha đều 6-10g, Cát căn, Sơn tra đều 2-4g. Trị 230 cas khỏi 227 cas, không kết qủa 3 cas (Chu Vĩnh Hậu – Trung Y Dược Cát Lâm Tạp Chí 1983, 1:25).

Tham khảo :

+  “Nên nhớ rằng Kha  tử vị đắng nhiều, vị chua ít, tuy Kha tử có tính sáp nhưng nó cũng có thể làm cho phần khí tiết ra. Vì vậy những người khí hư hoặc ho cấp thì không nên dùng” (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

+  “Kha tử dùng sống có tác dụng liễm Phế, khi nướng lên thì có tác dụng sáp trường, thích hợp với chứng hư ( Đông Dược Học Thiết Yếu).

+  “Trị tiêu chảy : nên dùng Kha tử nướng, trị ho, mất tiếng nên dùng Kha tử sống, nếu là qủa xanh tác dụng càng mạnh (Trung Dược Học).

+  Tác dụng chủ yếu của Kha tử là liễm Phế, sáp trường, thiên về bệnh lâu ngày, ho, suyễn do hư, tả lỵ. Dùng sống có tác dụng chỉ khái suyễn. Nướng lên có tác dụng sáp trường. Còn có tác dụng hạ khí, lhoan khí trướng ở ngực, bụng. Vì vị thuốc có vị đắng nhiều, vị cay ít, sức hạ khí mạnh hơn thu liễm, vì vậy, người mà phần khí hư yếu không nên dùng nhiều (Thực Dụng Trung Y Học).