Tuệ Tĩnh – người mở đầu nền y dược cổ truyền dân tộc

tue tinh thien su

Tuệ Tĩnh (1330-?) được phong là ông tổ ngành dược VN và là người mở đầu cho nền y dược cổ truyền VN. Các bộ sách Nam Dược thần hiệu và Hồng Nghĩa tư giác y thư của ông không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học VN.

Tuệ Tĩnh - Đại Danh Y - Đại Sư

Tuệ Tĩnh – Đại Danh Y – Đại Sư

Nếu những kết quả nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học VN sau này không đưa thêm bằng chứng gì mới thì truyền thuyết địa phương và những công trình nghiên cứu chuyên môn khác cho phép khẳng định Tuệ Tĩnh là một nhân vật đời Trần. Ông chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (tỉnh Hải Dương ngày nay).

Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Năm 55 tuổi (1385), Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, mất ở bên ấy, không rõ năm nào. Bia văn chỉ làng Nghĩa Phú (do Nguyễn Danh Nho soạn năm 1697) cùng các tư liệu khác ở địa phương đều ghi như vậy.

Những năm ở trong nước, Tuệ Tĩnh đã chăm chú nghề thuốc: trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách giá trị là bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa tư giác y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Đường luật (nôm), và bài Phú thuốc Nam 630 vị cũng dùng quốc ngữ.

Thơ văn Nôm đời Trần rất hiếm, nếu quả thực đó là tác phẩm của ông thì Tuệ Tĩnh không những có vị trí trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học nữa.

Từ bao đời nay, giới y học VN và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y học độc lập, tự chủ, sát với thực tế VN. Câu nói của ông: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” biểu hiện sự nhận thức sâu sắc về quan hệ giữa con người và sinh cảnh, đồng thời cũng tiêu biểu cho ý thức độc lập tự chủ.

Ngay trong việc nghiên cứu dược liệu, ông cũng không chịu phụ thuộc vào cách sắp xếp của những sách nước ngoài. Chẳng hạn, ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên. Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông, v.v.

Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc.

Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần.

Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc.

Nhiều thế kỷ qua, Tuệ Tĩnh được tôn là vị thánh thuốc VN. Tại Hải Dương, còn đền thờ ông ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cầm Giàng, có tượng Tuệ Tĩnh. Câu đối thờ ông ở đền Bia viết, dịch nghĩa như sau:

Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh

Sống nhờ của Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm Giang.

Giáo sư VŨ NGỌC KHÁNH – ĐỖ THỊ HẢO (Báo Nhân Dân)

BÀI VIẾT KHÁC TRÊN BÁO NHÂN DÂN

Dù thông tin về cuộc đời của Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh – 1330-?) còn rất ít ỏi nhưng danh tiếng Tuệ Tĩnh là một thiền sư, một y sư, một ông tổ của ngành dược Việt Nam, một ông Thánh thuốc Nam, một nghề mở đầu cho nền y học Việt Nam thì hầu như ai ai cũng biết.

tue tinh thien su
Chân dung Thiền sư Tuệ Tĩnh. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về mấy giá trị góp phần làm nên nhân cách Tuệ Tĩnh mà chúng tôi nghĩ rằng xứng đáng để có thể khẳng định ông là một Danh nhân văn hóa lớn trong dòng văn hóa Việt, xứng đáng được thế giới công nhận như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh…

Những giá trị đó là:

Tuệ Tĩnh – một thầy thuốc Việt – thuần Việt

Tuệ Tĩnh quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông có tên hiệu là Tráng Tử Vô Dật. Mồ côi mẹ lúc 6 tuổi Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều (Hải Dương) và chùa Giao Thủy (Nam Định) nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi ông đậu Thái học sinh (đệ nhị giáp tiến sĩ) dưới triều vua Trần Dụ Tông nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là thời gian ông học thuốc, làm thuốc chữa bệnh cho người.

Tuệ Tĩnh chăm chú nghề thuốc, trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền trong bộ sách có giá trị là Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Đặc biệt, ông có bộ Hồng nghĩa giác tư y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam viết bằng thơ Nôm Đường luật và bài “Phú thuốc Nam” 630 vị cũng bằng chữ Nôm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa vừa là nơi truyền bá đạo Phật vừa là nơi làm y xá chữa bệnh.

Triết lý chữa bệnh của Tuệ Tĩnh là dùng Nam dược trị Nam nhân là một triết lý tuyệt đối đúng và đến ngày nay vẫn rất phù hợp khi ngành y đưa ra câu khẩu hiệu kết hợp Đông – Tây y.

Tuệ Tĩnh – một nhà văn Việt Nam

Lâu nay người ta khẳng định Tuệ Tĩnh là ông Thánh thuốc Nam, danh tiếng Tuệ Tĩnh không chỉ được biết đến ở Việt Nam, mà tiếng tăm ông đã đồn khắp Trung Quốc thời đó và còn được vua nhà Minh phong là Đại Y Thiền Sư, được mời vào Thái y viện, chức Y tư cửu phẩm khi chữa cho vợ vua Minh khỏi bệnh sản hậu mà các thầy thuốc Trung Hoa bó tay! Ít ai cho rằng Tuệ Tĩnh còn là một nhà văn Việt Nam. Nhưng thực tế thì Tuệ Tĩnh xứng đáng được khẳng định là một nhà văn Việt Nam của 700 năm trước.

Ông là nhà văn Việt Nam trước hết là bởi các trước tác của ông, rất nhiều tác phẩm được viết bằng chữ Nôm. Chúng ta biết, ở thế kỷ 14 chữ Hán đang rất được sùng thịnh, chữ Nôm nhiều khi bị xem là “nôm na mách qué”, thế mà các bản thảo của Tuệ Tĩnh như bộ Hồng nghĩa giác tư y thư được biên soạn bằng quốc âm, trong đó 500 vị thuốc Nam được viết bằng thơ Nôm hoặc Đường. Rồi bài Phú thuốc Nam 630 vị cũng bằng thơ Nôm.

Xin ghi vài dẫn chứng:

* Thang Đại hoàng gia vị:

Chủ táo phiền thấu thủy bất an

Thượng tiêu ứ huyết gian nan

Nuốt nước không xuống, xảy nên vậy là

Hoặc: * Thang Sài hồ bách hợp:

Chủ bệnh mới khỏi hay trầm hôn

Thất tình nói sảng bồn chồn

Bách hợp lao phục lẹ khôn dùng làm

Hoặc: * Thang Xung hòa khương hoạt:

Chữa xuân hè thu tiết phát đau

Ba đông xung đột bấy lâu

Khí nhiều sức mạnh chẳng âu việc vàn

Sang xuân phát bệnh chẳng an

Bởi xưa mao thuở đông hàn thiên phong

Nhức đầu rét dữ thiên ban

Mồ hôi không có hợp tan mà dùng,v.v.

Đây là những hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu khi dùng một vài thang thuốc như đại hoàng, sài hồ hoặc gừng với một số chứng bệnh cụ thể.

Còn rất nhiều câu thơ Nôm diễn giải cách chữa các bệnh khác nữa. Ở đây chúng tôi chỉ muốn đưa ra vài dẫn chứng để chứng minh tác giả đã dùng văn để diễn đạt một cách giản dị nhất, bằng một ngôn ngữ thuần Việt (phù hợp với hoàn cảnh lịch sử thời đó) nhằm tác động nhanh và chính xác đến đối tượng tiếp nhận. Văn chương như vậy rõ ràng đã đi sâu vào lòng người. Và như thế Tuệ Tĩnh đúng là một nhà văn Việt Nam, một nhà văn thuần Việt.

Tuệ Tĩnh – một người Việt bị đày ải, xa quê hương vẫn thiết tha hướng về quê hương, Tổ quốc Việt Nam

Năm 55 tuổi (1385) danh tiếng Tuệ Tĩnh được nhà Minh biết đến vì thế ông bị đi cống ở Trung Quốc. Đấy là dưới triều vua Trần Dụ Tông. Thời này nhà Trần đã sa sút đánh mất hào khí Đông A và bị bọn lộng thần thao túng nên việc Tuệ Tĩnh phải phục vụ ngoại bang là không thể tránh được. Huống chi việc trị bệnh cứu người thì một thầy thuốc y đức cao vọng như Tuệ Tĩnh làm sao có thể chối từ.

Ông đã chữa khỏi bệnh cho vợ vua Minh và cái tài năng ấy Trung Quốc làm sao lại có thể dại dột để trả về bản quán?! Ông đương nhiên phải ở lại để phục vụ thiên triều! Và đó là những năm tháng bị giam lỏng cho đến hết đời! Cũng từ thời điểm này vị thần y Việt Nam đã hoàn toàn bị quên lãng. Xin nhớ lại về lịch sử từ sau Trần Dụ Tông xã hội Việt Nam đầy biến động, đầy loạn lạc.

Tiếp theo đó là đội quân Minh do Trương Phụ xâm chiếm nước ta… Nước còn bị mất, làm sao một cá nhân như Tuệ Tĩnh ở xa nước trong không gian bị đối phương quản thúc thì còn ai để ý! Tuệ Tĩnh chỉ còn ôm một nỗi nhớ quê cô đơn và không ai biết ông chết vào năm tháng nào! Chỉ biết rằng, trước khi chết, ông có nhắn lại một câu “Ngày sau có ai người nước Nam qua đây xin đưa hài cốt tôi về với!”. Thật là một lời nhắn gửi đau buốt gan ruột!

Nhưng lời nhắn gửi này cũng phải mất gần 300 năm sau, ông Nguyễn Danh Nho (Sầm Hiên 1638-1699) người xã Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng – cùng quê với Tuệ Tĩnh, trong đoàn sứ giả Việt Nam sang giao hảo với nhà Thanh mới ghé thăm được mộ Tuệ Tĩnh và cho in dập bia mộ Tuệ Tĩnh đem về Việt Nam lập đền thờ. Đó là Đền Bia ở Văn Thai với câu đối:

Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa

Thánh sư diệu dược trấn Nam bang

(Thi đậu Hoàng giáp tiếng lừng Trung Quốc

Chữa bệnh thần diệu tài quán Nam Bang)

Tuệ Tĩnh là thầy thuốc Việt Nam, là nhà văn Việt Nam, nổi tiếng ở cả Việt Nam và Trung Quốc, chết ở Trung Hoa không có cơ hội cuối cùng nhìn lại mảnh đất quê hương nhưng một lòng một dạ gắn với quê hương. Tâm hồn của ông là tâm hồn Việt. Tài năng của ông là một tài năng Việt.

Tuệ Tĩnh đã được thờ ở Y miếu Thăng Long, ông được dựng tượng, được đặt tên đường ở nhiều thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Huế (Thừa Thiên Huế), Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh,v.v. Nhưng chúng tôi nghĩ, cốt cách của ông, ảnh hưởng của ông, những giá trị y dược mà ông để lại cho hậu thế cần phải được phát huy, cần phải được lan tỏa trong một không gian rộng hơn nữa. Thánh thuốc Nam Việt Nam, danh sư Tuệ Tĩnh, Nguyễn Bá Tĩnh xứng đáng được xem là một vĩ nhân văn hóa tầm quốc tế. Ba giá trị trên đây là ba giá trị của một nhân cách lớn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *